10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2020

30/12/2020 09:59 daidoanket.vn

 

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng năm qua kinh tế Việt Nam vẫn có những bứt phá ngoạn mục. Quang Vinh.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng năm qua kinh tế Việt Nam vẫn có những bứt phá ngoạn mục. Quang Vinh.

1. Kiểm soát đại dịch Covid-19, GDP tăng trưởng dương

Năm 2020, Việt Nam được ghi nhận là thành công nhất trong kiểm soát đại dịch Covid-19. Trong khi kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề do đại dịch này gây ra thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP), đạt2,9%.

Thành công này có được nhờ sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và quyết tâm của cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.  Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

2. Chính phủ ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn

Hàng loạt các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 đã được Chính phủ ban hành như các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. 

Theo đó, ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là quyết định có liên quan đến khoảng 20 triệu người dân gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19.

3. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA) chính thức thực thi

Đây là sự kiện được mong chờ nhất sau chặng đường hơn một thập kỷ chúng ta tiến hành đàm phán với EU để đi đến một kết quả cuối cùng: Ký kết EVFTA.

Và từ 1/8/2020, Hiệp định này chính thức được thực thi. Đây là một cú huých cho xuất khẩu hàng hóa của nước nhà, và cũng là động lực để các DN hồi phục sản xuất sau những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Mặc dù khó khăn do dịch bệnh, nhưng năm 2020 vẫn đạt được con số xuất khẩu ấn tượng, một phần là nhờ việc thực  thi EVFTA.

4. Việt Nam trở thành sáng lập viên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 do Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand được kỳ vọng sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay với tổng GDP là 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu. Cùng với EVFTA, RCEP đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

5. Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành quyết định về chuyển đổi số quốc gia, đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn tầm toàn cầu.

Mục tiêu của chương trình đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh.

6. Xuất siêu năm 2020 cao kỷ lục, đạt 19,1 tỷ USD

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD, đây là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Kết quả này thực sự ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.

7. Năm bùng nổ năng lượng tái tạo

Xu hướng của toàn cầu là hướng đến phát triển năng lượng tái tạo, bởi đây chính là lời giải cho bài toán phát triển bền vững. Tiếp nối năm trước, 2020 vẫn là một năm đầy sôi động của thị trường năng lượng tái tạo.

Các dự án điện mặt trời, điện gió không ngừng xin bổ sung quy hoạch điện, xin cơ chế đặc thù để hưởng giá FIT toàn phần dù đã quá công suất quy hoạch. Tuy nhiên, việc phát triển lưới điện đang chưa theo kịp với nguồn điện, khiến các dự án điện bị cắt giảm công suất.

8. Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ 

Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ qua đã hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/11/2020 là 336.012,19 tỷ đồng đạt 71,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng).

Đối với kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020 (91.827,06 tỷ đồng), lũy kế thanh toán đến 31/10/2020 đạt 60,94% kế hoạch; ước thanh toán 11 tháng đạt 67,11% kế hoạch. Như vậy, trong 11 tháng, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

9. Năm “ấn tượng xấu” của Hàng không và du lịch

Năm 2020, lĩnh vực hàng không và du lịch trải qua một năm khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Theo đó, chỉ riêng Vietnam Airlines đã lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng dự báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngành du lịch cũng thiệt hại nặng nề với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm gần 50%. Ước tính tổng thiệt hại của ngành du lịch lên đến 530 nghìn tỷ đồng.

10. Số doanh nghiệp giải thể tăng

Mặc dù có những bứt phá về xuất nhập khẩu, song đây cũng là năm ghi nhận một con số DN buộc phải ngừng hoạt động lớn kỷ lục.

Theo đó, có 101,7 ngàn DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào khu vực DN kinh doanh dịch vụ, ăn uống, bất động sản, dịch vụ môi giới, logistics, sản xuất nhỏ lẻ, vận tải nhỏ… Số lượng DN giải thể tăng mạnh, khiến mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ) vượt khỏi tầm tay.