Xuất khẩu với mục tiêu 55 tỷ USD: Nhiều tín hiệu tích cực

03/06/2023 05:27 daidoanket.vn

Nhiều tín hiệu cho thấy hết quý III, xuất khẩu ngành nông lâm, thủy sản có thể bắt kịp kỷ lục xuất khẩu năm 2022 và hoàn toàn đủ cơ sở để đạt kim ngạch 55 tỷ USD như mục tiêu đề ra.

Xuất khẩu thủy sản tập trung hướng đến thị trường có nhu cầu lớn. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu thủy sản tập trung hướng đến thị trường có nhu cầu lớn. Ảnh: Quang Vinh.

Chuyển biến tích cực

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã có bước chuyển biến tích cực. Cụ thể, tháng 1 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm trên 68% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do tháng này có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thế nhưng đến tháng 5 mức giảm còn 11,1%. Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 20,26 tỷ USD.

“Với đà phục hồi này dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến hết quý III/2023 sẽ ngang bằng với quý III/2022 và sang quý IV có thể đẩy mạnh tăng trưởng. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, sản xuất và kinh doanh nông, lâm, thủy sản vẫn có những tín hiệu tích cực” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhận định.

Về thị trường, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%. Chăn nuôi mặc dù đối mặt với giá thức ăn cao, nhưng nhờ khống chế dịch bệnh tốt nên sản xuất vẫn đáp ứng được yêu cầu.

Đối với ngành rau quả, trong quý II, xuất khẩu rau quả dự báo tăng 10%, thậm chí cao hơn. Năm 2023, ngành rau quả có thể sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm ngoái. Phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD.

Đối với gạo, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý II của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực. Nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao.

Tận dụng cơ hội từ các FTA

Dù có những chuyển biến tích cực trên song theo Bộ NN&PTNT, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là các thị trường lớn như: Hoa Kỳ và châu Âu khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng. Trong nước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản và cháy rừng rất cao ở nhiều địa phương; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Chính vì vậy, để gỡ khó cho thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường thế giới. Tận dụng lợi thế đến từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

“Cần cơ cấu lại thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường xúc tiến thương mại với từng đối tượng ngành hàng, từng thị trường. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã phân công cho các lãnh đạo đơn vị tập trung xúc tiến thương mại cho các thị trường truyền thống, tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… với các sản phẩm Việt Nam đang lợi thế. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường” - ông Tiến nhấn mạnh.

Riêng đối với ngành hàng thủy sản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sẽ tập trung vào các thị trường có nhu cầu lớn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng tươi sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch, khi thị trường thích nghi với bối cảnh mới.

Hạn chế ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 492/CĐ-TTg ngày 31/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Công điện nêu rõ, hiện nay, một số loại trái cây đang vào vụ thu hoạch (sầu riêng, mít, vải, thanh long…) nên dự báo phương tiện đường bộ chở hoa quả và nông sản xuất khẩu từ các địa phương sẽ tiếp tục dồn về các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Chủ tịch UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên; Bộ trưởng các bộ: Công thương, Tài chính, Quốc phòng, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát các quy định về xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chủ động đàm phán thúc đẩy mở cửa thị trường, nhất là thị trường chính ngạch, tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng các loại trái cây được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc...