Xăng tăng, ế khách, doanh nghiệp vận tải 'than trời' vì lỗ nặng

03/07/2021 11:16 congluan.vn

Trong 1 năm qua, do những tác động của đại dịch COVID-19, giá xăng trong nước biến động liên tục. Đã có lúc, giá xăng chạm “đáy”, xuống dưới ngưỡng 11.000 đồng/lít.

Giá xăng trong nước: Từ “vực” lên “đỉnh”

Đầu năm 2020, giá xăng trong nước liên tục hạ giá. Đến tháng 5/2020, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, giá xăng trong nước thiết lập mức giá thấp kỷ lục.

Theo đó, giá xăng E5 chỉ từ 10.942 đồng/lít, xăng RON95 từ 11.631 đồng/lít.

Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2020, giá xăng trong nước bắt đầu tăng giá trở lại. Cho tới kỳ điều chỉnh mới đây (26/6/2021), giá xăng trong nước đã tăng gần gấp đôi.

Trong đó, giá xăng E5 là 19.760 đồng/lít; xăng RON 95 là 20.910 đồng/lít. Với sự điều chỉnh này, giá xăng trong nước đang thiết lập “đỉnh” 18 tháng.

Đặc biệt, trong 2 phiên điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng bất ngờ tăng “sốc”. Cụ thể, phiên điều chỉnh ngày 11/6, giá xăng tăng trong nước tăng 358 - 446 đồng/lít, kỳ điều chỉnh ngày 26/6 là 720 - 750 đồng/lít. Như vậy, giá xăng trong tháng 6/2021 đã tăng 1.078 - 1.196 đồng/lít.

Theo thông báo của Liên Bộ Tài chính - Công Thương, mức tăng của giá xăng dầu trong nước, đang thấp hơn giá thế giới, do đơn vị này liên tục trích Quỹ bình ổn xăng dầu, để bù lỗ cho giá xăng, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Trong trường hợp, Liên Bộ không trích quỹ, giá xăng dầu có thể tăng vọt lên ngưỡng 21.000 - 21.500 đồng/lít, tùy sản phẩm xăng dầu.

Liên Bộ Tài chính - Công Thương giải thích: Bình quân giá xăng dầu trong tháng 6/2021 đã tăng khoảng 4,6%.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi sau thời gian chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu sử dụng xăng dầu trên thế giới tăng mạnh đã tác động đến giá xăng dầu thành phẩm tăng trong thời gian vừa qua. 

Các doanh nghiệp vận tải “kêu trời” vì xăng tăng

Mặc dù giá xăng trong nước đã được trợ giá, thế nhưng, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải hành khách đều “kêu trời” vì giá xăng tăng quá nhanh.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông S. lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải hành khách, tuyến Hà Nội - Nam Định khẳng định: Nếu giá xăng tiếp tục tăng trong thời gian tới, các doanh nghiệp vận tải hành khách chỉ còn nước nằm chờ phá sản.

Theo ông S. kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4, vào đầu tháng 5/2021, doanh nghiệp này đã cắt giảm 50% các tuyến xe chạy hàng ngày, vì không có khách. 

“Mọi năm, từ tháng 5 tới tháng 7, là giai đoạn cao điểm của ngành vận tải hành khách, do trùng với kỳ nghỉ hè, và mùa thi đại học.

Thế nhưng, năm nay,  đợt bùng phát lần thứ 4 trùng với giai đoạn cao điểm, đã khiến mọi dự định của chúng tôi đổ vỡ, số lượng khách đi giảm hẳn.

Bên cạnh đó, việc giá xăng tăng mạnh đã khiến doanh nghiệp lỗ nặng”, ông S. nói.

Ông S. giải thích: Đối với một chiếc ô tô 34 chỗ dùng để trở khách, nếu giá xăng ở ngưỡng 20.000 - 21.000 đồng/lít, thì trên 1 chặng đường phải có tối thiểu 40% khách trên xe, tức là khoảng 14 - 15 người, doanh nghiệp mới “thoát lỗ”. 

Tuy nhiên, ở thời điểm này, người dân hạn chế đi lại, công suất trên xe chỉ khoảng 30%, thậm chí có tuyến chỉ đạt 10% - 15%.

Như vậy, nếu công suất trên xe không đủ, chắc chắn doanh nghiệp sẽ lỗ.

“Đó là còn chưa kể, để vận hành còn hàng trăm chi phí khác, như phí bến bãi, phí cầu đường, lương của nhân viên lái xe, phụ xe;...

Các chi phí này cộng dồn đều khiến doanh nghiệp điêu đứng”, ông S. nói.

Trước nghịch cảnh này, các doanh nghiệp vận tải hành khách buộc phải cắt giảm số tuyến, cắt giảm nhân sự, hoạt động một cách cầm chừng để chờ dịch bệnh đi qua.

Việt Vũ