VPBank lãi kỷ lục 11.146 tỷ đồng chỉ trong một quý, bằng nhiều ngân hàng khác làm cả năm

21/04/2022 08:37 toquoc.vn

Theo thông tin từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay, góp phần đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng vượt lên trên 95 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo thông tư 41 đạt trên 15%.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 56%.

Trong ba tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chất lượng tại ngân hàng riêng lẻ đạt 10,3%, tăng gấp đôi mức trung bình ngành, với sự đóng góp chủ yếu từ các phân khúc chiến lược. Đi đôi với đó là tăng trưởng huy động đạt 11,5%, giúp đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn thanh khoản của ngân hàng.

FE Credit, dù hai quý trước có tốc độ tăng trưởng tín dụng âm, nhưng đã bắt nhịp chu kỳ tăng trưởng mới khi đạt mức tăng 1,6% so với quý IV/2021.

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất của VPBank đã tăng trên 65% so với cùng kỳ, đạt 18.270 tỷ đồng. Cụ thể, TOI của ngân hàng mẹ tăng trên 133% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu doanh thu, thu nhập lãi thuần hợp nhất đạt 9.888 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ và 16% so với quý IV/2021, với ngân hàng mẹ tăng tương ứng gần 30% và trên 16%.

 

Thu nhập phí dịch vụ hợp nhất, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ này ở ngân hàng mẹ ghi nhận mức tăng tương ứng gần 30% và tại FE Credit là 4,8% so với cùng kỳ.

Động lực tăng trưởng mảng phí dịch vụ đến từ các hoạt động thanh toán, thu nhập từ thẻ và các dịch vụ khác.

Các thu nhập khác tăng trưởng 9 lần so với cùng kỳ, bao gồm khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa VPBank và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam.

Thu nhập từ nợ đã xử lý của ngân hàng hợp nhất cũng đạt kết quả tích cực với 714 tỷ đồng, tăng 21,3% so với quý trước.

Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất tiếp tục được duy trì ở mức thấp nhất thị trường, cho thấy hiệu suất vượt trội của ngân hàng trong quản lý chi phí và sử dụng mỗi đồng vốn hiệu quả để sinh lời.

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) (không bao gồm thu nhập bất thường) đạt mức 3,1% và 21,2%.

VPBank cho biết, số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng VPBank qua kênh số hóa trong quý I/2022 tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2021.

Số lượng giao dịch trung bình hàng tháng qua kênh số tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến hiện tại, tổng số khách hàng VPBank, tính gộp cả ngân hàng mẹ và các công ty con, đã cán mốc gần 20 triệu khách hàng.

Chiến lược tăng cường nâng cao trải nghiệm khách hàng trên kênh số hóa thông qua các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo như tạo iNICK cho tài khoản và nền tảng eKYC mới được nâng cấp … đã góp phần củng cố tăng trưởng của các sản phẩm cho vay.

Trong đó, tỷ lệ giải ngân trực tuyến của các sản phẩm vay thế chấp và tín chấp đạt 80-100%, và tỷ lệ số dư tiết kiệm trực tuyến đạt 61%.

Ngân hàng dự kiến doanh thu trong các quý tiếp theo sẽ không ngừng tăng cao hơn trong khi quy mô hệ sinh thái ngân hàng được mở rộng sang các lĩnh vực cung cấp dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm, thông qua các hoạt động M&A như mua lại công ty chứng khoán và sắp tới là mua lại cổ phần của công ty bảo hiểm OPES.

Trong đó công ty chứng khoán đã đóng góp doanh thu vào ngân hợp nhất trong quý I/2022. Công ty chứng khoán này có kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm củng cố năng lực kinh doanh trong thời gian sắp tới.