Việt Nam cần thêm 840.000 tỷ đồng để “bơm” vào nền kinh tế

06/12/2021 07:29 congluan.vn

Trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng hồi phục và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. 

Thế nhưng, nếu cộng gộp các gói hỗ trợ đã có hiệu lực, thì tổng số tiền chỉ chiếm 2% - 3% GDP của Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức hỗ trợ như vậy là thấp và không đủ để “giải cứu” nền kinh tế.

Trước thực tế đó, trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sáng nay (5/12), PGS.TS Bùi Quang Tuấn kiến nghị gói hỗ trợ 666.000 tỷ đồng, tương đương 8% GDP Việt Nam. Gói hỗ trợ này tập trung vào 4 vấn đề chính, bao gồm củng cố nền y tế, củng hỗ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết đầu tư công.

Chưa dừng lại tại đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế còn đề xuất gói hỗ lớn cao hơn nữa, chiếm 10,38% GDP, tương đương 840.000 tỷ đồng, khoảng 35 tỷ USD.

Trong số này, chính sách tài khóa chiếm lớn nhất trong cơ cấu với 8,34%, tương đương 678.395 tỷ đồng; chính sách tiền tệ 65.000 tỷ đồng (chiếm 0,8%), chính sách an sinh xã hội là 12.800 tỷ đồng (chiếm 0,16%), chính sách khác là 37.650 tỷ đồng (0,46%); đầu tư SCIC vào doanh nghiệp là 50.000 tỷ đồng (chiếm 0,6%).

Về giá trị thực tế sẽ chi, ông Lực cho biết con số thực tế sẽ là 445.760 tỷ đồng (chiếm 5,48% GDP), theo tính toán của nhóm nghiên cứu.

Theo giải thích của TS. Cấn Văn Lực, giá trị công bố là giá trị danh nghĩa ví dụ như các khoản giãn hoãn thuế, phí, đầu tư vào doanh nghiệp của SCIC…. Cuối cùng, người dân, doanh nghiệp phải trả lại. Còn giá trị thực tế là khoản thực chi. Khoản thực chi trong tổng gói hỗ trợ 843.845 tỷ đồng là 445.760 tỷ đồng.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế còn đề xuất gói hỗ lớn cao hơn nữa, chiếm 10,38% GDP, tương đương 840.000 tỷ đồng, khoảng 35 tỷ USD.

Để thực hiện gói hỗ trợ này, nhóm nghiên cứu cũng đã có những tính toán cụ thể về nguồn lực huy động. Trong đó, khoản huy động lớn nhất sẽ là phát hành trái phiếu Chính phủ với 220.060 tỷ đồng.

Về điều kiện thực hiện, ông Lực cho biết cần đáp ứng quan điểm, mục tiêu và tiêu chí hỗ trợ đã nêu, triển khai nhanh chóng và có tính đến năng lực thực hiện tại các đơn vị, địa phương.

Đồng thời phải hết sức quan tâm tháo gỡ các rào cản thể chế để tăng khả năng hấp thụ, mới đảm bảo các chính sách phát huy hiệu quả, tính toán tác động và có giải pháp kiểm soát rủi ro các cân đối lớn (nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ…).

Nhóm chuyên gia cũng lưu ý đến việc kiểm tra, giám sát chống lãng phí, lợi ích nhóm… trong việc thực hiện các gói hỗ trợ.

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số kiến nghị chính sách. Cụ thể như cần phối hợp nhịp nhàng chính sách (nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ) đồng thời chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ và tín dụng trong tầm kiểm soát.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng nhóm chuyên gia cũng đề nghị tăng bảo lãnh phát hành trái phiếu của Chính phủ cho NHCSXH; có giải pháp tăng vốn cho các NHTM; chú trọng cải tiến hiệu quả, kịp thời khâu thực thi.

Ngoài ra là phải gắn kết chương trình này thật chặt chẽ với chiến lược phòng, chống dịch; xây dựng lộ trình cụ thể để trung hòa các tác động của chính sách đã nêu trên; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc nhanh nhất có thể; chú trọng triển khai đồng thời các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các kế hoạch, chương trình khác.

Thời gian thực hiện chương trình hỗ trợ theo đề xuất của nhóm nghiên cứu là 2 năm (2022-2023), chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là chuẩn bị kích hoạt chương trình và mở cửa nền kinh tế, phục hồi rõ nét hơn (hết quý II/2022). Giai đoạn 2 là tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (đến hết quý III/2023).

Kết thúc chương trình và bước sang quỹ đạo mới (từ quý IV/2023). Đối tượng tiếp cận chương trình là lao động và người sử dụng lao động.

Việt Vũ