Từng xem là cú nhảy mạnh vào miếng bánh hàng trăm tỷ USD, Yeah1 bất ngờ chuyển nhượng 51% vốn tại Giga1

03/07/2021 11:14 toquoc.vn

Hội đồng quản trị Tập đoàn Yeah1 (YEG) đã thông qua Nghị quyết hợp tác với một số đối tác để cùng phát triển mảng kinh doanh thương mại tại Công ty cổ phần Công nghệ Thương mại Giga1.

Đồng thời, Tập đoàn cũng thông qua việc chuyển nhượng 51% cổ phần có quyền biểu quyết của Yeah1 tại Giga1.

Giá chuyển nhượng không thấp hơn giá trị sổ sách tại Báo cáo tài chính gần nhất, đồng thời giao Chủ tịch Hội đồng quản trị lựa chọn đối tác nhận chuyển nhượng và thực hiện các thủ tục chuyển nhượng theo quy định pháp luật.

Được biết, sau sự cố với YouTube và liên tục giảm sút từ năm 2018, Giga1 được giới thiệu là cuộc chơi chiến lược mới của Yeah1.

Thậm chí, Giga1 cũng là câu trả lời bản thân lãnh đạo Yeah1 đi tìm kiếm cho câu hỏi tại sao Yeah1 lại ký sinh trên nền tảng YouTube, Google?

Giga là nền tảng Thương mại đa kênh M2C (manufacturer to consumer). Giga1 theo giới thiệu Yeah1 là một hệ sinh thái nền tảng thương mại đa kênh đi thẳng từ nhà máy sản xuất tới người tiêu dùng cuối, gia tăng doanh số bán hàng và tăng quyền lợi cho người tiêu dùng nhờ việc giảm đáng kể chi phí bán hàng.

Giga1 sẽ tập hợp các tài sản giá trị của Tập đoàn là: nền tảng thúc đẩy bán hàng hiệu quả (promotion platform): Mega1, Mega1 VIP; nền tảng loyalty liên minh: Media One; nền tảng phân phối O2O: MEGA1 Merchants; nền tảng bán hàng qua KOL: Celuv, SGO48, KOC; nền tảng bán hàng liên kết: Netlink, Yeah1 Publishers; nền tảng thanh toán: Ting, Ví điện tử.

Trong đó, Giga1 thời buổi đầu có đối tác lớn là Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Lúc bấy giờ, không chỉ ký kết trên vai trò đối tác, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát là bà Trần Phương Uyên cũng chi tiền mua đến 6,89 triệu cổ phiếu YEG.

Có thể rất kỳ vọng vào bước đi mới của "kỳ lân" giải trí một thời, bà Phương đã trả mức giá 50.000 đồng/cp để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Yeah1 với tỷ lệ sở hữu hơn 22% vốn, sau Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống.

Dù vậy, sau hơn 1 năm, bà Phương đã bán ra phần lớn cổ phần tại vùng giá chưa đến phân nửa ban đầu với 20.000 đồng/cp, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 8,8% vốn.

Từng xem là cú nhảy mạnh vào miếng bánh hàng trăm tỷ USD, Yeah1 bất ngờ chuyển nhượng 51% vốn tại Giga1 - Ảnh 1.

Buổi ký kết giữa Yeah1 và Tân Hiệp Phát đầu tháng 3/2021.

Trở lại với Giga1, chia sẻ tại Đại Hội đồng cổ đông thường niên năm nay, Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết Giga1 là thành quả 2 năm qua của Yeah1 và tốn khoảng hơn 30 triệu USD.

Đến nay Giga1 đã bước sang giai đoạn bắt đầu liên kết và khai thác nền tảng với các bên.

"Giga1 là thành quả 2 năm qua của Yeah1 và tốn khoảng hơn 30 triệu USD. Hiện, Giga1 đã bước sang giai đoạn 2, bắt đầu liên kết và khai thác nền tảng với các bên", ông Tống nói.

Giga1 cũng công bố 5 công ty liên doanh thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là: sữa, nước giải khát, bột hòa tan, cà phê, gia vị, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc cơ thể và mỹ phẩm.

Chi tiết bao gồm GigaGoods; GigaCare; sữa Savory; Nước giải khát Mouty; Cà phê Degree.

Theo Yeah1, nền tảng Giga1 có những cấu hình mới của ngành thương mại tiêu dùng, nhưng dựa trên những lợi thế Yeah1 có sẵn trong ngành media để tạo ra giá trị mới, từ đó hình thành chuỗi hệ sinh thái mới đang kế thừa những giá trị tốt nhất của hệ sinh thái cũ.

Đây được xem là cú nhảy mạnh của Yeah1 vào thị trường tiềm năng gấp 50 lần "miếng bánh" quảng cáo với doanh thu 139 tỷ USD năm 2020 và dự kiến tăng gấp đôi trong những năm tới, phía Yeah1 cho biết.

Dù vậy, triển vọng vẫn chưa nhiều. Đến nay, Yeah1 bất ngờ chuyển nhượng tỷ lệ vốn chi phối tại Giga1 cho bên khác. 

Nói đi cũng nói lại, giữa làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19, thậm chí bùng phát mạnh và diễn biến ngày càng phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, bức tranh kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp sẽ gặp phải thách thức lớn.

Đặc biệt với những đơn vị trong lĩnh vực truyền thông, và hơn hết là đang tái khởi nghiệp như Yeah1, sức ép về dòng tiền là không nhỏ.

Thực tế, Công ty cũng liên tục chuyển nhượng vốn góp tại các công ty liên kết liên doanh.

Ngày 25/6, Yeah1 chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Yeah1 Network PTE.LTD cho bên mua là một công ty được thành lập tại Singapore.

Trước đó, Yeah1 cũng vừa lên kế hoạch chuyển nhượng 1,25 triệu cổ phần tại công ty con là Yeah1 Edigital.

Cổ phần chào bán là cổ phần phổ thông, tự do chuyển nhượng, phương thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đại lý phân phối.

Từng xem là cú nhảy mạnh vào miếng bánh hàng trăm tỷ USD, Yeah1 bất ngờ chuyển nhượng 51% vốn tại Giga1 - Ảnh 2.

Tựu chung, mất 2 năm để tìm câu trả lời cho bài học "xây nhà trên đất người khác" và phát triển nền tảng Giga1, Yeah1 còn rất nhiều khó khăn để có thể tăng trưởng trở lại, chưa nói đến tham vọng quay về thời hoàng kim.

Điển hình, 2021 là năm thứ hai Công ty tiếp tục quyết liệt giải bài toán xoá lỗ luỹ kế.

Dù vậy, Yeah1 cũng từng là một hiện tượng và sau tất cả, để lại trên chứng trường câu chuyện đầu tư một cổ phiếu mới mẻ, "nóng bỏng".

Thời điểm này 3 năm trước, Yeah1 chính thức chào sân khi chỉ tròn 12 năm tuổi.

Tập đoàn thời điểm này được mô tả như kỳ lân ngành truyền thông.

Dĩ nhiên, chuyện kinh doanh, những bệ phóng của một ngành khá mới mẻ cũng thách thức giới đầu tư.

Và vì là duy nhất nên YEG được định giá trên cơ sở những thương hiệu thành công nước ngoài, mức giá được trả lên đến 350.000 đồng/cp, vượt mặt các "anh cả" Sabeco, Vinamilk, Thế giới Di động…

Đến nay, thị giá YEG liên tục dò đáy và hiện ở vùng 20.600 đồng/cp, chỉ bằng 1/17 mức giá được săn đón hồi năm 2018.

Từng xem là cú nhảy mạnh vào miếng bánh hàng trăm tỷ USD, Yeah1 bất ngờ chuyển nhượng 51% vốn tại Giga1 - Ảnh 3.