Trường Đại học dạy luật thì pháp trị phải là ưu tiên hàng đầu

17/03/2025 22:48 Thành Nam/ Tạp chí Việt Mỹ

Ngày 11/3, Tạp chí Việt Mỹ đăng tải bài viết: “Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) ‘xé rào’ đảm nhận nhiều chức vụ quản lý tại doanh nghiệp”, phản ánh thông tin của độc giả trong việc bổ nhiệm ông L.V.N giữ chức vụ Phó hiệu trưởng tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải đã nhận được sự ủng hộ của độc giả cũng như chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. 

Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, việc bổ nhiệm ông L.V.N đã có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định tại Luật doanh nghiệp, Luật cán bộ, công chức, đặc biệt là Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Đồng thời đặt ra trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cán bộ, công chức sai quy định của pháp luật.

Một số chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi: Liệu việc “xé rào” trong việc bổ nhiệm cán bộ, công chức đang giữ chức vụ quản lý tại doanh nghiệp có tạo tiền lệ cho các đơn vị khác trong khối, ngành thực hiện theo? Phải chăng nên vận dụng trường hợp của ông L.V.N để “cởi trói” cho cán bộ, công chức được tham gia quản lý, thành lập và điều hành doanh nghiệp?

Trường hợp của Phó Giáo sư L.V.N cũng là trường hợp hy hữu khi đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng một trường Đại học công lập những vẫn giữ chức vụ quản lý, hưởng lương, thưởng và các chế độ khác từ doanh nghiệp tư nhân.

Quyết định tái bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật đối với ông L.V.N 

“Dư luận, đặc biệt là những ai đang công tác trong ngành giáo dục rất quan tâm câu chuyện này. Bởi lẽ đây là việc gần như chưa có tiền lệ. Nếu sự việc Phó Giáo sư L.V.N được tái bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng trong thời gian đang giữ chức vụ quản lý tại doanh nghiệp thì tại sao các đơn vị khác lại không vận dụng để thực hiện?

Phải chăng đây là trường hợp hy hữu hoặc trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang ‘một mình, một ngựa’, không theo quy định pháp luật? 

Vấn đề này cần Trường Đại học Kinh tế Luật cũng như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần phải trả lời rõ ràng, xử lý dứt điểm, tránh tạo tiền lệ xấu cho các cá nhân, đơn vị khác làm theo”, một ý kiến chuyên gia cho hay.

Ngoài ra, cũng có ý kiến lấy làm tiếc khi Trường Đại học Kinh tế - Luật là một ngôi trường đang phát triển mạnh mẽ nhưng lại vướng phải những câu chuyện lùm xùm từ việc tăng học phí sai quy định cho đến việc bổ nhiệm chức vụ cán bộ quan trọng.

Bên cạnh đó, dư luận cho rằng, việc bổ nhiệm ông L.V.N không thể không nhắc đến vai trò và trách nhiệm của Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL).

Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, việc bổ nhiệm Phó Giáo sư L.V.N đã vi phạm nhiều quy định pháp luật và những điều Đảng viên không được làm:

Tại điểm b, khoản 2, điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Cán bộ, công chức, viên chức theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

Điều 20 Luật cán bộ, công chức cũng quy định cán bộ, công chức không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị quyết 37-QĐ/TW quy định về những điều Đảng viên không được làm nghiêm cấm các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, khen thưởng, phong tặng danh hiệu, đi học, đi nước ngoài, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ trái quy định.

Do vậy, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần làm rõ quy trình xét duyệt, bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) đối với ông L.V.N cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc bổ nhiệm cán bộ sai quy định.

Tôi thấy rằng dư luận đang đặc biệt quan tâm đến câu chuyện mà Tạp chí Việt Mỹ đang phản ánh. Điều này cho thấy công tác bổ nhiệm cán bộ cần đặc biệt lưu ý, không chỉ lựa chọn người có tài mà còn phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong đó có Hoa Kỳ đang có nhiều bước phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc hội đàm Tổng thống Joe Biden về hợp tác, phát triển mối quan hệ Việt - Mỹ lên một tầm cao mới.

Trong bối cảnh đó các đơn vị trong ngành giáo dục cần đẩy mạnh sự công khai, minh bạch. Đó là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy một nền giáo dục phát triển, liêm minh cũng như tạo động lực cho các nhà đầu tư giáo dục nước ngoài hợp tác với các trường Đại học, Viện nghiên cứu tại Việt Nam".

Phó Giáo sư L.V.N giữ đồng thời hai chức vụ tại Trường Đại học Kinh tế - Luật và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen

Xin được trích dẫn thêm một số ý kiến của độc giả gửi về toà soạn sau khi bài viết "Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) ‘xé rào’ đảm nhận nhiều chức vụ quản lý tại doanh nghiệp" được đăng tải:

“Không thể có chuyện hiệu phó nhận hai vai trò, nhận lương hai đầu trong khi họ là nhà giáo. Ai bao che cho việc này? Đề nghị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ”.

“Hiệu phó vi phạm, hiệu trưởng thì né tránh không dám chất vấn. Trong trường thì xảy ra tố cáo, khiếu nại kéo dài, học phí gây bức xúc trong sinh viên, thiết nghĩ thanh tra và các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ, làm sạch môi trường giáo dục ở đây”.

“Hiệu phó nhưng lại vi phạm luật viên chức như vậy, và hiệu trưởng thì dù thấy sai nhưng vẫn kí duyệt, thì thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền nên vào cuộc để làm sạch bộ máy điều hành của trường, trả lại môi trường lành mạnh, kỉ cương, đúng luật”.

Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cán bộ sai quy định

Thông tin trên website trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phồ Hồ Chí Minh cho biết, ngày 24/10/2024, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định về công tác nhân sự tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, cụ thể bổ nhiệm lại có thời hạn Phó Giáo sư, Tiến sĩ L.V.N giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng; quyết định có hiệu lực từ ngày 02/11/2024.

Tại buổi lễ trao quyết định, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ: “Với các Phó Hiệu trưởng mới, dù trong vai trò quản lý thì vẫn là những người thầy, trong quá trình làm việc các thầy có thể tự tin xử lý nhưng không được tự kiêu, giải quyết công việc trên cơ sở lắng nghe ý kiến của viên chức, người lao động và người học”.

Lời nhắn nhủ thân tình là vậy, thế nhưng, khi xảy ra những lùm xùm trong việc tăng học phí của sinh viên hoặc bổ nhiệm ông L.V.N vi phạm quy định pháp luật thì vị Phó Giáo sư này lại cho rằng vì đây là câu chuyện bổ nhiệm thuộc trách nhiệm nhà trường.

Về phía Ban Giám hiệu trường Đại học Kinh tế - Luật cũng chưa từng có phản hồi hoặc trả lời chính thức đến các cơ quan báo đài cũng như tập thể cán bộ, nhân viên nhà trường dẫn đến sự việc gây bức xúc trong thời gian dài.

 Quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cán bộ

Tại Quy định 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ cũng đã nêu rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ:

“1. Bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong các trường hợp sau:

- Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan; không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác.

- Miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định.

2. Việc xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp vi phạm quy định này được thực hiện theo quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và các quy định có liên quan”.

Trở lại với câu chuyện, việc bổ nhiệm và tái bổ nhiệm Phó Giáo sư L.V.N giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) đã vi phạm quy định tại điều 20 của Luật Phòng chống tham nhũng: Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác; Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết; Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;”.

Giai đoạn được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng tại trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Phó Giáo sư L.V.N đã và đang đảm nhiệm nhiều chức danh quản lý tại doanh nghiệp; được hưởng các chế độ lương, thưởng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. 

Đồng thời trong từ năm 2010 đến nay, ông L.V.N đều được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, nhận nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua, gương dân vận khéo…cấp cơ sở (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Điều này đặt ra câu hỏi về quá trình giới thiệu nhân sự, thẩm định hồ sơ…trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Bên cạnh đó việc bổ nhiệm ông L.V.N đang khiến nhiều cán bộ, công chức trong ngành giáo dục "tâm tư". Trường hợp của Phó Giáo sư L.V.N liệu có công bằng với những giảng viên, cán bộ tâm huyết cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục, chưa một lần mảy may nghĩ đến việc “xé rào”, vi phạm các quy định của pháp luật? 

Giả thiết nếu các đơn vị khác ‘vận dụng’ quy trình xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì hệ quả sẽ như thế nào?

Luật phòng chống tham nhũng quy định, cán bộ, công chức không được tham gia quản lý doanh nghiệp 

 

 Đảm nhiệm chức vụ tại doanh nghiệp nhưng Phó Giáo sư L.V.N nhiều năm liền vẫn được thi đua khen thưởng

Những căn cứ nêu trên cho thấy cần phải quy trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân, tổ chức mà cụ thể ở đây là Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) trong việc bổ nhiệm cán bộ vi phạm quy định Luật Phòng chống tham nhũng và một số quy định khác.

Là ngôi trường Đại học công lập hàng đầu tại Việt Nam, Đại học Quốc gia Thành phồ Hồ Chí Minh cần phải đi đầu trong việc thực hiện các quy định pháp luật, chủ trương và Nghị quyết của Bộ Chính trị; trở thành ngọn cờ đầu trong thực hành chống tham nhũng, lãng phí, tiết kiệm trong ngành giáo dục.

Do vậy, dư luận trong và ngoài nước cũng như đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động tại ngôi trường này đang mong mỏi các cá nhân chịu trách nhiệm lên tiếng để giải quyết dứt điểm sự việc trên, trả lại sự công bằng và yên bình vốn có cho môi trường giáo dục.

Theo thông tin được công bố trên website của Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Phó Giáo sư ,Tiến sĩ L.V.N đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL)

Ngoài công việc chuyên môn chính tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), vị Phó Giáo sư này đã và đang đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (sau đây gọi tắt là Công ty Hoa Sen) từ năm 2010 đến nay.

Cụ thể, giai đoạn 2010 – 2017, ông N khi đó đang là Trường khoa Luật Trường Đại học Kinh tế - Luật giữ chức vụ Trưởng ban Kiểm soát thuộc Công ty Hoa Sen; giai đoạn 2019-2024 ông N được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) đồng thời giữ chức vụ Trưởng ban Hỗ trợ Kiểm toán tại Công ty Hoa Sen; giai đoạn 2024 đến nay Phó Giáo sư L.V.N được tái bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) đồng thời giữ chức vụ Trưởng ban Hỗ trợ Kiểm toán tại Công ty Hoa Sen.

Trong các văn bản của Hoa Sen đều khẳng định ông là Người nội bộ công ty. Chẳng hạn, Nghị quyết số 28/NQ/HĐQT/2024 ngày 31/7/2024 của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen ban hành Quy chế phát hành cổ phiếu ESOP năm 2024 chỉ dành cho cán bộ lãnh đạo, quản trị, điều hành, quản lý có nhiều đóng góp cho sự phát triển của công ty, tại Điều 5 quy định về điều kiện và tiêu chuẩn tham gia chương trình, ông L.V.N thuộc nhóm 2 “Cán bộ quản trị điều hành cấp cao”.

Như vậy, theo chặng đường thăng tiến tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), vị Phó Giáo sư này cũng đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.

Link gốc