Trung Quốc thúc đẩy khai thác đất hiếm để cạnh tranh với Mỹ trong nền kinh tế xanh

03/01/2022 08:14 congluan.vn

Các chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Nhà Trắng về đất hiếm cho rằng cơ quan đề xuất của Trung Quốc sẽ hoạt động tương tự như hệ thống ở Mỹ, nơi các cơ quan thương mại, năng lượng, chính sách đối ngoại và chính quyền liên bang đều tham gia vào việc đề ra và thực hiện các chiến lược khoáng sản quan trọng.

Đề xuất này là một phần trong quá trình phân tích của nhóm ba thành viên do Yu Hongyuan, giáo sư và giám đốc Viện Chính trị So sánh và Chính sách Công, dẫn đầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khi thế giới chạy đua để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nó sẽ yêu cầu lượng khoáng chất đầu vào năm 2040 nhiều hơn gấp 6 lần so với hiện nay. Điều này làm gia tăng cuộc chạy đua giữa các cường quốc toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, để giành quyền tiếp cận các khoáng sản quý giá.

Trung Quốc thống trị nguồn cung cấp toàn cầu các khoáng sản quan trọng, bao gồm cả đất hiếm cần thiết cho các công nghệ năng lượng sạch quan trọng như xe điện và tuabin gió.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã phải đối mặt với những thách thức khi Mỹ củng cố chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào nước này. Điều này bao gồm các quy định chặt chẽ hơn của Mỹ về đầu tư và bảo vệ môi trường ở các nước giàu tài nguyên.

“Với sự gia tăng xung đột ở các khu vực giàu khoáng sản và sự ra đời của các quy tắc thương mại tài nguyên mới, các nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược của Trung Quốc hiện đang bị cuốn vào một môi trường quốc tế dễ biến động hơn”, phân tích từ Yu và nhóm của ông.

Khoáng sản quan trọng được coi là cần thiết cho an ninh kinh tế và quân sự, rất quan trọng đối với công nghệ năng lượng sạch. Theo phân tích, đây sẽ là trọng tâm mới trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ .

Trung Quốc là nhà xuất khẩu chính của ít nhất 32 trong số 50 mặt hàng khoáng sản quan trọng. Nước này còn đầu tư rất nhiều vào chuỗi cung ứng các loại khoáng sản này trong nhiều năm qua.

Ngược lại, Mỹ phụ thuộc nhiều vào các nguồn nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, đối với các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong mọi thứ, từ tấm pin mặt trời và tuabin gió, pin xe điện và thậm chí cả máy bay chiến đấu.

Cuộc chiến thương mại năm 2018 khiến Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ thao túng quyền kiểm soát các khoáng sản quan trọng cho các mục đích chiến lược và từ đó họ đang tìm cách thúc đẩy chuỗi cung ứng từ những nơi khác.

Vào tháng 6, Nhà Trắng đã vạch ra một kế hoạch trong đó các cơ quan liên bang được chỉ đạo để tăng cường năng lực sản xuất, nhằm “tăng khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng nguyên liệu chiến lược và quan trọng”.

Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình về vấn đề này, đã ký các thỏa thuận với Úc và Canada, hai quốc gia giàu tài nguyên về nguồn cung cấp các khoáng sản quan trọng.

Năm nay, Úc - nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất sau Trung Quốc - sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh chuỗi cung ứng năng lượng sạch đầu tiên của Bộ tứ an ninh, cùng với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Đáp lại, vào tháng trước, Trung Quốc tuyên bố sáp nhập ba công ty khoáng sản nhà nước để thành lập Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc, sẽ kiểm soát hơn 1/3 ngành khai thác đất hiếm của nước này, qua đó sẽ củng cố sự thống trị của Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm toàn cầu.