
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đất nước này đã sẵn sàng cắt giảm thuế quan khi thỏa thuận thương mại châu Á - Thái Bình Dương có hiệu lực vào đầu năm tới.
Bộ Thương mại Trung Quốc vừa cho biết, thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy niềm tin vào tăng trưởng kinh tế giữa các thành viên của hiệp ước sau hậu quả của đại dịch Covid-19.
Bộ này cho biết trong một tuyên bố rằng: “Thỏa thuận sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ nhằm phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, ủng hộ thương mại tự do và bảo vệ hệ thống thương mại đa phương.”
Bộ này còn cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện tất cả 701 nghĩa vụ ràng buộc, bao gồm cắt giảm thuế quan và thay đổi các quy tắc về xuất xứ hàng hóa.
Bộ cũng sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện cho các chính quyền địa phương và các ngành công nghiệp, sau khi tiến hành hơn 600 khóa đào tạo cho 166.000 doanh nhân, nhân viên thương mại và quan chức hải quan Trung Quốc để liên kết với khoảng 30% con người và sản lượng của thế giới.
Chính quyền Trung Quốc sẽ thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ trong RCEP nhằm mục đích xóa bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa, và tiêu chuẩn hóa các quy tắc về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử trong số các hoạt động thương mại khác. Thỏa thuận này dự kiến sẽ loại bỏ một loạt thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm.
Mười quốc gia tham gia, bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Úc - đã phê chuẩn hiệp định trong khi các quốc gia còn lại đang trong quá trình thực hiện.
Trung Quốc đã có một số hiệp định thương mại song phương và đây là lần đầu tiên nước này ký kết một hiệp định thương mại đa phương khu vực.
Trung Quốc cho biết thỏa thuận thương mại RCEP sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu dùng và đầu tư trong khu vực, củng cố chuỗi cung ứng và thúc đẩy triển vọng đầu tư của Trung Quốc và các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang hướng tới việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Nhật Bản dẫn đầu, trong đó, hiệp định CPTPP sẽ có những đề xuất cắt giảm thuế quan sâu hơn RCEP và bao gồm nhiều lĩnh vực thương mại hơn.
Nhưng vai trò thống trị của các doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc được coi là rào cản khi quốc gia này gia nhập vào hiệp định CPTPP.
Mỹ được kỳ vọng sẽ trở thành thành viên của CPTPP nhưng cuối cùng nước này đã rút lui dưới thời chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Mỹ đã ước tính rằng RCEP sẽ nâng cao thu nhập quốc dân toàn cầu lên 147 tỷ USD hàng năm vào năm 2030 và CPTPP sẽ bổ sung thêm 186 tỷ USD trong cùng thời gian.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho biết hôm thứ 6 vừa qua rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện các điều kiện thị trường để thu hút đầu tư nước ngoài và củng cô sâu sắc hơn hợp tác kinh tế và thương mại khu vực và song phương.
Huy Hoàng (Theo SCMP)
bình luận (0)