Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn lần đầu tiên sau gần 2 năm

22/12/2021 15:47 congluan.vn

Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn lần đầu tiên sau gần hai năm vào thứ 2 tuần này, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang bị căng thẳng từ sự sụt giảm tài sản và các đợt bùng phát Covid-19 mới.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), lãi suất cơ bản của khoản vay một năm (LPR) - dựa trên hầu hết các khoản vay mới và dư nợ - đã được cắt giảm từ 3,85% xuống 3,8% vào thời điểm ấn định tháng 12, trong khi LPR 5 năm - là tham chiếu cho các khoản thế chấp - vẫn ở mức 4,65%.

LPR đã được coi là chi phí cho vay chuẩn trên thực tế của Trung Quốc kể từ năm 2019. Tỷ lệ này do một nhóm 18 ngân hàng quyết định và được báo cáo dưới dạng chênh lệch trên lãi suất của cơ sở cho vay trung hạn của ngân hàng trung ương.

Lần cuối cùng ngân hàng trung ương cắt giảm LPR kỳ hạn 1 năm và 5 năm là vào tháng 4 năm 2020, theo dữ liệu từ Wind Information.

LPR ảnh hưởng đến lãi suất cho vay đối với các khoản vay doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuần trước, việc cắt giảm lượng tiền mặt dự trữ của ngân hàng trung ương đã có hiệu lực, đánh dấu động thái thứ hai trong năm nay.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi cú sốc của đại dịch. Nhưng năm nay, đặc biệt là kể từ tháng 7, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đã bị kéo xuống bởi chi tiêu tiêu dùng bị giảm sút, chính sách không khoan nhượng của Bắc Kinh nhằm kiểm soát chặt chẽ các đợt bùng phát Covid-19 tiếp theo và các quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với những cơn bão trong lĩnh vực bất động sản.

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên của chính phủ Trung Quốc hồi đầu tháng, các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này đã nhấn mạnh rằng ổn định sẽ là mục tiêu trọng tâm lớn hơn của Trung Quốc trong năm tới.

Theo truyền thông nhà nước, cuộc họp kết luận rằng “các chính sách tiền tệ thận trọng cần linh hoạt và phù hợp, và thanh khoản cần được duy trì ở mức hợp lý và dồi dào”.

Theo Reuters thăm dò ý kiến vào tuần trước, có 29 trong số 40 nhà giao dịch và nhà kinh tế đã dự đoán LPR của Trung Quốc sẽ cắt giảm.

Hầu hết các khoản vay mới và chưa thanh toán ở Trung Quốc dựa trên LPR một năm trong khi lãi suất 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp nhà.

Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ cho biết: “Việc cắt giảm lãi suất trên đã củng cố quan điểm của chúng tôi rằng các nhà chức trách đang ngày càng cởi mở hơn trong việc cắt giảm lãi suất trong bối cảnh kinh tế khó khăn.”

Tuy nhiên, ông lưu ý quyết định giữ nguyên lãi suất trong 5 năm của POBC cho thấy Bắc Kinh sẽưu tiên “không sử dụng lĩnh vực bất động sản để kích thích tăng trưởng kinh tế.”

Một số nhà phân tích cho biết việc cắt giảm hai tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của ngân hàng trung ương trong năm nay đã cho phép các tổ chức giảm chi phí cho vay. Theo ước tính của Goldman Sachs, với hai lần cắt giảm này đã tiết kiệm cho các ngân hàng tới 28 tỷ nhân dân tệ (4,39 tỷ USD).

Trong khi động thái hạ LPR của Bắc Kinh được nhiều người mong đợi, nó đã làm nổi bật sự khác biệt về chính sách tiền tệ của Trung Quốc so với các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới, vốn được thiết lập để tăng lãi suất.

Một số nhà phân tích kỳ vọng Bắc Kinh có thể giảm nhẹ lãi suất hơn nữa để ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Một loạt các chỉ số kinh tế gần đây, bao gồm doanh số bán lẻ và tăng trưởng đầu tư, cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, trong khi sự kìm hãm của quy định đối với lĩnh vực công nghệ đã làm giảm tâm lý của nhà đầu tư. Các biện pháp hạn chế mới để chống lại các trường hợp Covid-19 gia tăng có thể gây áp lực tăng trưởng hơn nữa.