Những dự báo lạc quan
Tổng giám đốc Hiệp Hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ông Willie Walsh, cho biết năm 2021 hàng không phục hồi chủ yếu nhờ bay nội địa, đạt mức 72% so với hồi năm 2019, thì dự kiến các đường bay quốc tế sẽ quay trở lại "khá mạnh mẽ" trong năm 2022.
Ông Walsh cũng dự báo ngành hàng không sẽ chịu ảnh hưởng ngắn hạn trong đầu năm 2022 do các quy định hạn chế mới đưa ra từ cuối năm ngoái để ngăn ngừa chủng Omicron, nhưng việc đi lại sẽ sớm được mở cửa trở lại dựa trên tình hình dịch đã giảm.
"Ngày càng nhiều nước đang xem xét lại các quy định này, và chúng tôi rất vui khi thấy một số, thậm chí là toàn bộ các lệnh giãn cách được đang nới lỏng hoặc dỡ bỏ. Đây là một tín hiệu tích cực cho ngành hàng không", ông Walsh cho biết.
Châu Âu hiện đã dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại. Nhiều nước như Anh, Thụy Điển,… đã bỏ quy định buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường.
Người dân châu Âu hiện chỉ cần có chứng chỉ thẻ xanh (đáp ứng một trong 3 yêu cầu: tiêm vaccine, đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính) là có thể tự do đi lại giữa các nước.
Bên kia bờ đại đương, Mỹ và Úc cũng đã mở cửa lại toàn bộ biên giới. Tại châu Á, Campuchia, Thái Lan cũng đã khởi động lại chương đón khách du lịch quốc tế để bắt đầu phục hồi ngành du lịch và nền kinh tế.
Tại Việt Nam, từ ngày 15/2 đã gỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, khai thác trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Các Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Y tế, Ngoại giao, Giao thông - vận tải, Công an và Quốc phòng đã cùng thống nhất đề xuất từ ngày 15/3 mở cửa trở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế và nội địa
Theo nhiều chuyên gia, việc sớm khôi phục lại hoạt động hàng không nội địa và quốc tế sẽ giúp kích cầu hồi phục kinh tế sau đại dịch và giải tỏa phần nào nhu cầu đi lại và du lịch của người dân đã bị đè nén suốt hai năm qua.
Thống kê cho thấy lượng khách du lịch Việt Nam trong 9 ngày Tết Nguyên đán năm nay đạt mức hơn 6,2 triệu lượt kháchbằng khoảng 85% so với Tết năm 2019 (thời điểm trước khi dịch bùng phát). Nhiều địa phương đón lượng khách vượt mức Tết năm ngoái.
Tỉ lệ tiêm vaccine 3 mũi trong người dân cao, cùng với chính sách "thích ứng linh hoạt" của Chính phủ được coi là nguyên nhân chính giúp du lịch bùng nổ trở lại.
Hàng không chi phí thấp "mạnh tay"
Niềm tin vào sự phục hồi của hàng không trong năm nay còn được củng cố bởi động thái của chính các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng bay chi phí thấp.
Theo Forbes, các hãng bay chi phí thấp vẫn đang tiếp tục tận dụng cơ hội trong đại dịch để nhảy vào lấp chỗ trống của các hãng bay khác hoặc khai phá các cơ hội mới.
Trong năm 2021, Wizz Air đã mở thêm 6 đầu sân bay tại các nước và hơn 200 đường bay mới. Hãng cũng giữ đơn đặt hàng khổng lồ gồm 275 máy bay Airbus, dự kiến sẽ giao vào trước năm 2027, mạnh mẽ mở rộng đội bay của hãng lên gần 400 chiếc.
Trong khi đó, Southwest Airlines quyết định đặt mua thêm 34 máy bay Boeing 737 Max, nâng tổng số đơn đặt hàng cho dòng máy bay này lên 283 tàu bay trong vòng 10 năm tới.
Vietjet là hãng hàng không đã có nhiều bước đi chiến lược để chuẩn bị cho kế hoạch hồi phục sau đại dịch (ảnh: TL)
Hãng Hàng không thế hệ mới Vietjet của Việt Nam cũng đã ký hàng loạt hợp đồng hợp tác trị giá hàng trăm triệu USD và lần đầu tiên bổ sung đội tàu bay thân rộng A330.
Đây là các bước đi chiến lược để Vietjet tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế sau các đường bay tới Ấn Độ và Đông Á.
Bước đi này cho thấy hãng tin tưởng vào khả năng bùng nổ mạnh mẽ của ngành hàng không trong tương lai hậu đại dịch.
bình luận (0)