Triển vọng nào cho ngành ngân hàng và 'cổ phiếu vua' thời gian tới?

27/05/2022 09:00 toquoc.vn

Từ đầu năm đến nay, nhiều mã ngân hàng gần như đã bị "chia đôi" về thị giá. Diễn biến trên xuất hiện trong bối cảnh lợi nhuận của các nhà băng vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý I và ảnh hưởng của dịch bệnh đang dần đi qua.

Những yếu tố làm cổ phiếu ngân hàng giảm sâu

Theo ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty AzFin., tính từ đầu năm 2022, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm trung bình khoảng 31%, nhiều hơn so với mức 22,5% của thị trường chứng khoán nói chung. Trong đó, nhiều cổ phiếu giảm gần 50% so với đỉnh.

Vị chuyên gia này cho rằng có 4 yếu tố chính dẫn đến việc cổ phiếu ngân hàng liên tục lao dốc trong thời gian vừa qua.

Thứ nhất là những tác động từ việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu. Hoạt động đầu tư trái phiếu thường chiếm 8 - 20% tổng tín dụng của ngân hàng và lợi nhuận từ trái phiếu mang lại cũng có phần lớn hơn so với hoạt động tín dụng thông thường.

Vì vậy khi dòng vốn vào thị trường này được nắn lại, các ngân hàng cũng ít nhiều chịu các tác động theo hướng không mấy thuận lợi.

Nhân tố thứ hai đang tạo áp lực lên cổ phiếu ngân hàng là dòng tín dụng bất động sản đang được quản lý chặt chẽ hơn. Cụ thể, hoạt động nhà đất thường sẽ được các ngân hàng cho vay với lãi suất cao hơn và là một nguồn thu nhập khá đáng kể.

Chính vì thế, khi dòng vốn đổ vào thị trường này không còn rộng rãi như trước, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân thứ ba đó là thị trường đang quan ngại về việc room tín dụng có khả năng bị thu hẹp. Trong quý 1, các ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng rất mạnh.

Sang đến quý 2, đa phần các nhà băng vẫn chưa được ngân hàng nhà nước cấp tiếp hạn mức tăng trưởng. Nhiều nhà đầu tư đang lo ngại chính phủ có thể thắt chặt tiền tệ, vì thế mà room tăng trưởng tín dụng cũng không được thoải mái như trước.

Yếu tố thứ tư đó là thị trường hiện đang đối mặt với nhiều thông tin kém tích cực như: Lạm phát và lãi suất ở Mỹ tăng cao, những xung đột địa chính trị khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy và giá hàng hóa tăng cao, cùng với đó là dòng tiền đầu cơ dè dặt trước việc chấn chỉnh thị trường chứng khoán.

Bên cạnh 4 yếu tố kể trên, việc dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán khi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường cũng là thứ khiến cho các nhà đầu tư không quá lạc quan như trước.

Trong những năm qua, các ngân hàng đã phải phát hành không ít cổ phiếu để tăng vốn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn của cơ quan điều hành. Lượng cổ phiếu lưu hành cũng đã tăng lên đáng kể. Khi dòng tiền rời đi, lượng cổ phiếu lưu hành là rất lớn. Do đó khi thị trường giảm thì nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng thuộc diện dễ bị ảnh hưởng nhất.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty AzFin

"Sell in May" phải chăng cũng là một tác nhân ảnh hưởng đến "cổ phiếu vua"?

Về tác động của hiện tượng "sell in May", ông Phục cho biết, hiện tượng thống kê trong quá khứ thì tháng 5 có xác suất giảm chiếm 57% cao hơn so với khả năng tăng điểm là 43%.

Nguyên nhân thường do đây là thời gian trống thông tin, hay nói cách khách không có nhiều thông tin hỗ trợ để thị trường chứng khoán tăng trưởng.

Hiện tượng này không phải nguyên nhân chính nhưng cũng phần nào tác động đến tâm lý chung của những nhà đầu tư ngắn hạn. Yếu tố này cộng hưởng cùng với các tin tức kém tích cực cũng đã góp phần khiến cổ phiếu ngành ngân hàng có sự sụt giảm mạnh vừa qua.

Lạm phát sẽ ảnh hưởng thế nào đến cổ phiếu ngân hàng?

Theo chủ tịch AzFin, lạm phát tăng chủ yếu đến từ giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào tăng khá mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, chính phủ và ngân hàng nhà nước cũng phát đi thông báo về việc có thể kiểm soát lạm phát ở mức 4%.

"Mặc dù lạm phát cao hơn khá nhiều so với năm 2021 nhưng nhìn chung vẫn sẽ ở mức ổn định. Việc tác động đến ngành ngân hàng là có, song chỉ ở mức độ nhẹ"- Ông Phục cho biết.

Theo đó, lạm phát sẽ làm tăng lãi suất huy động của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo khảo sát của AzFin ở 10 ngân hàng lớn nhất, lãi suất đầu ra thậm chí tăng còn cao hơn. Do vậy, NIM cho năm 2022 được dự báo vẫn ở mức tương đương như năm 2021 và kết quả kinh doanh của ngành sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Lãi suất đầu ra tăng cũng sẽ khiến cho gánh nặng nợ của các doanh nghiệp đi vay tăng lên, kéo theo các diễn biến không tốt về nợ xấu. Điều này cũng sẽ khiến cho các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng, từ đó mà lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng.

"Nếu nợ xấu tăng khoảng 0,1%-0,2%, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng có thể sẽ giảm khoảng 2-4%", ông Phục ước tính.

Theo chuyên gia, chỉ khi lạm phát quá cao (trên 6%) thì ngân hàng mới không thể chuyển toàn bộ phần lãi huy động tăng thêm cho khách hàng vay vốn và nợ xấu mới có nguy cơ tăng cao. Khi đó, câu chuyện giảm lợi nhuận ở các nhà băng cũng sẽ cần phải được tính toán tới.

Triển vọng nào cho ngành ngân hàng trong thời gian tới?

Dự báo về kết quả kinh doanh và cổ phiếu ngân hàng thời gian tới, ông Phục đánh giá, lợi nhuận của các ngân hàng năm 2022 kỳ vọng tăng trưởng trung bình khoảng 22-25%, dựa trên 3 yếu tố.

Thứ nhất đó là tăng trưởng tín dụng năm 2022 được kỳ vọng ở mức 14 - 15%. Do vậy, thu nhập lãi thuần dự báo tăng từ 12,5-13,5%, nhờ việc tăng lãi suất đầu ra đủ bù đắp chi phí vốn huy động tăng lên. Bên cạnh đó, nợ xấu kỳ vọng tăng nhẹ 0,1-0,2%.

Yếu tố thứ hai đó là thu nhập ngoài lãi kỳ vọng tăng 28-31% so với năm 2021 nhờ vào hoạt động bảo hiểm, dịch vụ tăng mạnh. Ở chiều ngược lại, hoạt động dịch vụ từ trái phiếu kinh doanh và tư vấn báo lãnh phát hành trái phiếu có thể giảm nhẹ.

Cuối cùng là chi phí hoạt động của các ngân hàng dự kiến sẽ chỉ tăng khoảng 10-12% so với năm 2021.

Cách nào để nhận diện một cổ phiếu ngân hàng ưu việt?

Theo ông Phục, về cơ bản, các cổ phiếu ngân hàng thường có sự biến động khá mật thiết với nhau. Tuy nhiên, trong năm 2022, dòng tiền vào ngành ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa nhất định và những cổ phiếu sở hữu các đặc điểm này có thể đón nhận dòng tiền tích cực hơn.

Thứ nhất, những ngân hàng có câu chuyện riêng như bán vốn, có hoạt động kinh doanh mới, tăng trưởng tín dụng đột biến.

Thứ hai, các nhà băng có khả năng quản trị rủi ro tốt với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt

Thứ ba, những ngân hàng có ứng dụng công nghệ mạnh từ đó khai thác được tối đa khách hàng và giảm thiểu chi phí vận hành, nhân sự.

Thứ tư, các nhà băng hàng đầu được định giá ở mức P/B thấp.