Trí tuệ nhân tạo có thay thế được con người? – Bài 4: Cần chiến lược thích ứng trong giáo dục

24/02/2023 02:06 daidoanket.vn

“Internet, mạng xã hội hay ChatGPT, trí tuệ nhân tạo có mặt trái nhưng không phải vì thế mà cấm trẻ dùng. Đó là lý do tại sao phải có một khung chương trình về công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong nhà trường” - GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chia sẻ.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Lê Anh Vinh cho biết, trong cuộc sống hàng ngày, ông thấy ChatGPT rất hữu ích. Có thể sử dụng ChatGPT để soạn tài liệu cho chính tọa đàm về ChatGPT. Dùng ChatGPT sáng tạo chuyện kể trước giờ đi ngủ cho con… Tuy nhiên, song hành cùng lợi ích là những thách thức, nguy cơ mà ứng dụng này nói riêng cũng như trí tuệ nhân tạo nói chung đang đặt ra. Đó là làm sao để khai thác triệt để mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của trí tuệ nhân tạo, ChatGPT…

GS. TS Lê Anh Vinh.

GS. TS Lê Anh Vinh.

PV: Không phải đến ChatGPT mà vấn đề ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong học tập đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, khi một công nghệ mới như ChatGPT xuất hiện sẽ tác động ra sao tới môi trường giáo dục, đặc biệt là việc giảng dạy, đánh giá học sinh của giáo viên, thưa ông?

GS. TS Lê Anh Vinh: Bất kỳ một công nghệ nào ra đời cũng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho con người. Vì thế, chúng ta nên tiếp cận công nghệ mới với thái độ tích cực để khai thác điểm mạnh của nó, làm tốt hơn công việc của mình. Chẳng hạn, ChatGPT có thể giúp thầy cô soạn bài nhanh hơn.

Bên cạnh những điểm tích cực, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đem lại những khó khăn nhất định cho thầy cô khi phải tiếp cận, cập nhật và học những công nghệ mới, nhất là những giáo viên lớn tuổi. Thậm chí với những phần mềm như ChatGPT, học sinh có thể tổng hợp kiến thức nhanh hơn, giải quyết các bài tập thầy cô giao một cách dễ dàng hơn. Khi đó, giáo viên đứng trước thách thức thay đổi cách dạy, cách đánh giá học sinh.

Tự mỗi thầy cô phải thay đổi nhưng cũng rất cần có sự hỗ trợ, các cuộc tập huấn để thầy cô hiểu hơn về trí tuệ nhân tạo cũng như việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sao cho hiệu quả, tích hợp trí tuệ nhân tạo vào phương pháp giảng dạy. Nếu có sự chuẩn bị tốt, chắc chắn trí tuệ nhân tạo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành Giáo dục.

Giúp người học quen với trí tuệ nhân tạo. Ảnh: TL.

Giúp người học quen với trí tuệ nhân tạo. Ảnh: TL.

Quan điểm “không quản được thì cấm” đã không còn phù hợp trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, cần trang bị kỹ năng số cho học sinh, giáo viên như thế nào để thích ứng với sự thay đổi hiện nay, thưa giáo sư?

- Năm 2019 đã có dự án của UNESCO về xây dựng khung năng lực số cho thanh niên khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương. Sau đó UNICEF hỗ trợ Bộ GDĐT để xây dựng khung năng lực số cho trẻ em mầm non đến phổ thông và đã có những dự thảo cho khung năng lực số này, đã có những chương trình tiếp theo xây dựng tài liệu tập huấn giáo viên, hỗ trợ giáo viên xây dựng tài liệu… Đồng thời đánh giá thực trạng giáo viên so với khung năng lực số như thế nào? Cách xây dựng khung năng lực số là bám sát với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sao cho phù hợp, không tạo thêm gánh nặng cho mỗi giáo viên.

Ghi nhận thực tế cho thấy khá nhiều kỹ năng học sinh và giáo viên chúng ta đang làm tốt như việc sử dụng thiết bị,… Tuy nhiên, một kỹ năng khá yếu là an toàn số, trong đó không phải cứ học sinh ở vùng thuận lợi, có điều kiện sử dụng công nghệ tốt hơn là có kỹ năng an toàn số cao hơn. Vấn đề thứ hai là cảm xúc của mỗi người trên môi trường số, như biết cách chia sẻ thông tin, trao đổi trên môi trường mạng vẫn còn một khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ để thực hiện tốt hơn.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Ba Đình, Hà Nội) ứng dụng bài giảng điện tử giúp nâng cao chất lượng giảng dạy.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Ba Đình, Hà Nội) ứng dụng bài giảng điện tử giúp nâng cao chất lượng giảng dạy.

Bên cạnh những lợi ích mà công nghệ mang lại, có những lo lắng đặt ra về việc bất bình đẳng trong giáo dục, giữa những học sinh có điều kiện tiếp cận công nghệ mới và những học sinh không có điều kiện. Theo ông đâu là giải pháp cho vấn đề này?

- Công nghệ luôn có 2 mặt. Một là giúp cho trẻ em ở những vùng khó khăn, chưa có điều kiện được tiếp cận với các thầy cô giỏi ở khắp mọi miền đất nước thông qua mạng internet với chi phí rẻ. Đơn cử, với chương trình dạy tiếng Anh từ lớp 3, nhiều địa phương không có giáo viên. Giải pháp là một số địa phương xây dựng hệ thống trực tuyến và chia sẻ giáo viên để mọi học sinh được tham gia, kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến. Như có trường ở Hà Nội kết nghĩa với những trường ở vùng khó và giúp họ dạy tiếng Anh cho học sinh qua zoom…

Hiện có những dự án sử dụng công nghệ để hỗ trợ học sinh có nhu cầu đặc biệt, giúp giảm bớt khoảng cách. Như dự án về thực tế ảo giúp học sinh tự kỷ học kỹ năng sống thông qua các ứng dụng công nghệ, được tiếp xúc với giáo viên có trình độ chuyên môn, kỹ năng để được trị liệu tại nhà rất tốt. Hay ý tưởng về mặt công nghệ như nhận diện âm thanh, ngôn ngữ, hình ảnh để giúp cho học sinh khiếm thính có thể giao tiếp với người bình thường. Đó là những mặt mạnh của công nghệ…

Trong chiến lược chuyển đổi số của ngành Giáo dục, vấn đề đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu đó là cơ sở hạ tầng. Vai trò cốt lõi là giáo viên, nếu giáo viên không thay đổi thì không làm được nhưng vấn đề đầu tiên vẫn là cơ sở hạ tầng. Làm sao trang bị được những điều kiện tối thiểu, mỗi học sinh đều có thiết bị, cơ hội để tiếp cận công nghệ.

Để trí tuệ nhân tạo, ChatGPT… ứng dụng mạnh mẽ, tích cực, góp phần thay đổi tương lai của giáo dục, theo ông ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì?

- Tốt nhất là làm chủ công nghệ bằng cách tạo hành lang chính sách, pháp lý để sử dụng công nghệ AI hay ChatGPT vào thực tiễn đời sống. Xây dựng hạ tầng số và đảm bảo thu hẹp khoảng cách giữa vùng khó khăn và vùng phát triển. Phát triển cơ sở dữ liệu đối với ngành Giáo dục. Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên để thích ứng tốt hơn với công nghệ nói chung và các công cụ trí tuệ nhân tại trong tương lai. Xây dựng khung năng lực số cho học sinh. Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị công cuộc đổi mới sáng tạo trong công nghệ ở tất cả các cơ sở giáo dục.

Trân trọng cảm ơn ông!

TPHCM thí điểm giảng dạy trí tuệ nhân tạo ở bậc học phổ thông

Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, địa phương đang triển khai thí điểm mô hình giảng dạy trí tuệ nhân tạo trong chương trình chính khóa ở bậc THCS và THPT từ năm học 2022- 2023. Nội dung trí tuệ nhân tạo được lồng ghép vào môn Tin học của chương trình. Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ bổ sung bằng hoạt động của câu lạc bộ, ngoại khóa, các hội thi có liên quan như: Nghiên cứu khoa học, hội thi Lego, robotics... Để thực hiện đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TPHCM giai đoạn 2021-2030 của UBND thành phố, ngành GDĐT đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý giáo dục, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá thông minh...Việc triển khai giảng dạy trí tuệ nhân tạo trong trường phổ thông là một trong những hoạt động nhằm thực hiện đề án trên.

Ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GDĐT cho biết: Bộ đang triển khai nhiều dự án với hàng loạt kế hoạch để thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành. Cụ thể: Dự kiến cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non; nâng cấp mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông và đại học. Đồng thời xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông và có kế hoạch kho học liệu số dùng chung bao gồm bài giảng điện tử từ lớp 1 đến lớp 12… Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng đang làm thủ tục để ban hành bộ Tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục.