Trí tuệ nhân tạo có thay thế được con người? - Bài cuối: Tương lai là cộng sinh giữa con người và trí tuệ nhân tạo

25/02/2023 03:00 daidoanket.vn

Được mệnh danh là “siêu chatbot”, ChatGPT đang được nhận định có thể thay thế khoảng 20% lực lượng lao động hiện nay. Thậm chí, một số chuyên gia công nghệ đưa ra con số từ 50-70% công việc sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai.

TS Lương Văn Thiện.

TS Lương Văn Thiện.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với TS Lương Văn Thiện – Trưởng nhóm nghiên cứu AioT Lab, Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) – Trường ĐH Phenikaa, người đoạt Giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2022 về xu hướng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực như thế nào trong tương lai khi AI ngày một phát triển.

PV: Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đã từng đưa ra cảnh báo, ở Việt Nam, nguồn lao động làm việc các ngành nghề giản đơn, dập khuôn theo trình tự có sẵn sẽ là nhóm dễ bị thay thế bởi robot và AI. Quan điểm của ông thế nào?

TS Lương Văn Thiện: Tôi đồng ý với cảnh báo này. Tôi được biết, ở Trung Quốc đã có những nhà máy vận hành hoàn toàn 100% không có công nhân, chỉ có đầu vào là nguyên liệu và đầu ra là sản phẩm. Tức là tất cả mọi thứ được vận hành tự động hóa 100%. Không chỉ có những ngành nghề đơn giản, thậm chí gần đây nhất, cũng ở Trung Quốc, có một con robot được đề bạt lên vị trí quản lý. Tôi dẫn câu chuyện này để thấy rằng, công việc trí óc cũng có thể bị thay thế bởi AI.

Tuy nhiên, đó chỉ là cảnh báo trước mắt. Thực tế, ChatGPT là cơ sở để chúng ta hiểu rằng AI tạo ra khả năng vượt bậc, và rõ ràng tất cả các hệ thống vẫn cần có con người vận hành, kể cả ChatGPT. Chatbot này vẫn cần có người đặt câu hỏi. Vấn đề đặt ra là khi đặt câu hỏi cho ChatGPT trả lời thì người vận hành hệ thống đó phải có trình độ kiến thức rộng hơn. Như vậy, trước mắt có thể một số ngành nghề sẽ giảm đi nhưng về lâu dài mọi tiến bộ về khoa học công nghệ sẽ tạo công ăn việc làm, của cải cho xã hội. Mọi người nên nghĩ lạc quan về vấn đề này.

TS Lương Văn Thiện hướng dẫn sinh viên trong giờ học.

TS Lương Văn Thiện hướng dẫn sinh viên trong giờ học.

Theo chia sẻ của ông thì rõ ràng trong tương lai khi sự phát triển mạnh mẽ của AI, nổi bật là ChatGPT mới ra mắt, sẽ có nhiều ngành nghề tới đây sẽ trở nên lỗi thời?

- Chúng ta có thể thấy ở một số ngành nghề liên quan tới tổng hợp tri thức, ChatGPT đang làm rất tốt, thậm chí hơn Google khá nhiều bằng những câu trả lời trực tiếp tóm tắt, ngắn gọn đúng như người dùng mong muốn. Nó có thể giải một bài toán chính xác, hỗ trợ khá nhiều ngôn ngữ lập trình.

Chẳng hạn như công việc phóng viên, việc tổng hợp tin tức có thể tận dụng ChatGPT để hỗ trợ công việc hiệu quả hơn. Riêng ở lĩnh vực giáo dục, trong bối cảnh ChatGPT ngày càng hấp dẫn người dùng thì việc dạy và học tới đây buộc phải thay đổi. Như đã đề cập ở trên, AI nói chung hay ChatGPT nói riêng không thể thay thế được con người. Công nghệ đứng một mình sẽ không hiệu quả. Tương lai là cộng sinh giữa con người với AI. Khi ấy, AI là công cụ hỗ trợ cho nhiều ngành nghề để đưa ra hiệu quả công việc tốt hơn.

Điều gì khiến ông lạc quan tin rằng AI không thể thay thế được con người?

- Đúng là AI có thể tạo ra tri thức nhưng nó không thể tạo ra cái mới, bởi nó được tạo ra từ tri thức của nhân loại có sẵn. Mặt khác, phiên bản hiện tại của ChatGPT không tạo ra khả năng phản biện. Khi người dùng đặt ra một câu hỏi không rõ ràng, ChaGPT chỉ trả lời một cách phỏng đoán dựa trên câu hỏi của người dùng mà không biết hỏi ngược lại.

Nhược điểm nữa của công nghệ, AI là không biết vui, buồn, nghĩa là không có cảm xúc. Khi xã hội ngày một phát triển thì một số ngành nghề sẽ dịch chuyển, đòi hỏi cần sự quan tâm, chăm sóc, sự tương tác giữa con người với con người. Ví dụ như nghề giáo viên, không chỉ truyền đạt kiến thức, người thầy còn phải truyền được cảm hứng cho học sinh, sinh viên để các em chủ động học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo. Việc tương tác, truyền cảm xúc tích cực thì AI, phiên bản ChatGPT hiện nay gần như không làm được.

Bên cạnh đó, với những công việc đòi hỏi bộ óc tổ chức, tính sáng tạo như CEO trong tương lai ngắn hạn thì AI chỉ có thể quản lý thay con người ở một phạm vi nhất định chứ không thể thay thế quản lý cả một trường đại học (ĐH), hay một doanh nghiệp, một tổ chức.

Đứng trước những tác động, cơ hội của AI với Việt Nam, việc đào tạo ngành CNTT sắp tới cần có những thay đổi gì, thưa ông?

- Cơ hội đột phá trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là lĩnh vực CNTT có lẽ phải bắt đầu từ người thầy. Trong quá trình đào tạo, người thầy phải hướng dẫn, dẫn dắt người học chủ động hơn, biết cách đặt câu hỏi, đào sâu làm chủ kiến thức. Nếu các em không hiểu sâu, hiểu rõ vấn đề thì rất khó tạo ra được kiến thức sáng tạo dựa trên hiểu biết, nền tảng vững chắc của mình.

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường mở thêm nhiều ngành đào tạo liên quan tới khoa học dữ liệu, AI. Theo ông, các trường ĐH phải thay đổi thế nào để thích ứng với yêu cầu đổi mới?

- Thực ra AI là môn học khoa học liên ngành có thể ứng dụng tất cả lĩnh vực, ngành khác nhau chứ không phải thuần túy đóng khung trong lĩnh vực CNTT. Thế nên, giáo viên phải biết dùng ChatGPT để biết được sinh viên có thể khai thác được gì từ công nghệ. Mục đích cuối cùng là làm sao đánh giá sinh viên có thực sự hiểu được công nghệ hay không.

Nhìn rộng ra ở nhiều lĩnh vực, theo ông cần chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thế nào để thích ứng và bắt kịp xu thế?

- Đi thực tế ở một số doanh nghiệp, nhiều nhân viên chưa hình dung được vai trò của công nghệ, đặc biệt là AI đối với công việc của họ. Tôi cho rằng tốt hơn cả là ở bất kể ngành nghề nào cũng nên có kiến thức cơ bản về AI, để biết được rằng nó có thể giúp mình trong công việc. Lúc ấy, người lao động mới biết cách kết hợp, tận dụng sức mạnh của AI thay vì bảo thủ làm theo cách cũ.

Ông có cho rằng chúng ta đang có cơ hội để đào tạo, phát triển AI khi có lợi thế tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với thế giới?

- Hiện AI đã được đào tạo phổ biến ở bậc ĐH. Nhiều trường đã dần thay đổi chương trình đào tạo, đưa các môn học liên quan tới khoa học dữ liệu, AI vào trong các môn học giảng dạy để từng bước thay đổi trực tiếp trong môi trường đào tạo ĐH. Trong khi đó, ở khối trường nghề, trường phổ thông, AI vẫn chưa được quan tâm nhiều.

Thực tế khi hỏi học sinh bậc THPT về AI thì có lẽ các em chưa hiểu vì chưa được đào tạo và định hướng cụ thể. Ở bậc học này, các em được tiếp cận với AI qua môn học STEM nhưng bản thân trình độ chuyên môn của một số giáo viên phổ thông hiện vẫn còn hạn chế, chỉ là dạy Tin học hoặc dạy lập trình. Đội ngũ giáo viên có thể đưa các khái niệm liên quan tới AI vào giảng dạy thì không phải trường nào cũng có. Thế nên, theo tôi cần một chính sách về người thầy. Còn người học cần niềm đam mê, làm chủ kiến thức, tạo ra những sản phẩm sáng tạo mang thương hiệu Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Người học chủ động tiếp cận AI

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), sống trong kỷ nguyên công nghệ với sự ra đời của các công cụ hỗ trợ AI là một xu thế không thể đảo ngược. Người học cần xác định được chúng ta phải học không vì mục đích điểm số và đối phó với các bài kiểm tra của giáo viên, mà chúng ta phải học để trở thành “con người hạng nhất, chứ không phải robot hạng hai”. Vì vậy, người học vẫn cần phải học viết, làm Toán, ngoại ngữ và tận dụng công nghệ để quá trình học của chúng ta nhanh hơn, hiệu quả hơn, sáng tạo hơn AI và không để AI thay thế công việc trong tương lai. Và giáo viên có thể giúp cho học sinh hiểu hơn về các công cụ AI như ChatGPT để sử dụng nó một cách hiệu quả.