Tránh hàng rào thương mại 'chất' như Trung Quốc: Thâu tóm luôn doanh nghiệp ở nước ngoài, ồ ạt bơm vốn để phá giá thị trường

08/05/2021 07:40 toquoc.vn

Suốt mấy chục năm nay, sản phẩm chủ lực của công ty Valdunes SAS (Pháp) vẫn là những chiếc bánh xe đắt đỏ chuyên dùng trong tàu cao tốc và các hệ thống đường sắt trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, chiến lược đó đã thay đổi sau khi 1 tập đoàn công nghiệp quốc doanh của Trung Quốc mua lại Valdunes năm 2014.

Chủ mới, MA Steel, đã theo đuổi chiến lược giá rẻ để có thể chiếm lĩnh thị phần.

"Chúng tôi được chỉ đạo rằng không được bỏ lỡ bất kỳ đơn hàng nào, Jerome Duchange, cựu lãnh đạo cấp cao của Valdunes nhớ lại. "Họ có khát khao chinh phục rất lớn’.

Valdunes hiện đang theo đuổi những mục tiêu chiến lược dài hạn hơn: chuyển giao công nghệ để các nhà máy ở Trung Quốc cũng có thể sản xuất được bánh xe của tàu cao tốc, đồng thời chen chân vào lĩnh vực đường sắt châu Âu vốn được quản lý rất nghiêm ngặt cũng như các thị trường khác trên toàn thế giới.

Valdunes nhận được nguồn tín dụng giá rẻ từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc và 150 triệu euro (tương đương 181 triệu USD) từ MA Steel.

Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã trợ cấp hàng chục tỷ USD cho các doanh nghiệp quốc doanh để thâu tóm các đối thủ phương Tây và xây dựng nhà máy ở nước ngoài.

Giờ đây những nhà máy này đang làm đảo lộn thị trường toàn cầu với chính sách giá siêu thấp.

Mọi sản phẩm đều bị ảnh hưởng, từ lốp xe ô tô đến sắt thép, sợi thuỷ tinh đến thiết bị đường sắt.

"Các công ty Trung Quốc đang liên tục mở rộng và đầu tư ở khắp mọi nơi.

Điều đó đồng nghĩa những lỗ hổng mà chúng ta nhìn thấy ở thị trường Trung Quốc sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khác", Luisa Santos, phó giám đốc BusinessEurope nhận định.

Châu Âu hành động

Tuần này Liên minh châu Âu đã đưa ra một số đề xuất để quản lý chặt hơn, thậm chí là cấm cửa các thương vụ thâu tóm những công ty châu Âu được tài trợ bởi các chính phủ nước ngoài.

Đây cũng là một trong hàng loạt biện pháp nhằm mục đích kiềm chế sự bành trướng của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Về phần mình, Mỹ và các quốc gia châu Âu cũng trợ cấp cho các ngành công nghiệp của mình nhưng thường thông qua các biện pháp như miễn giảm thuế, tài trợ xuất khẩu và tài trợ cho hoạt động R&D.

Tuy nhiên điểm khác của Trung Quốc là các tập đoàn quốc doanh đóng vai trò khổng lồ và nguồn tiền tài trợ quá lớn.

Mỹ và châu Âu cũng dựa vào WTO và thuế quan để trừng phạt Trung Quốc.

Tuy nhiên hiện luật của WTO chưa tính đến các chính sách trợ cấp mà chính phủ 1 nước dành cho các nhà sản xuất ở nước ngoài.

Kết quả là các nhà máy của Trung Quốc ở nước ngoài thường được hưởng mức thuế thấp hơn so với các công ty nội địa.

Theo các lãnh đạo phương Tây, trợ giúp tài chính từ chính phủ Trung Quốc cho phép các nhà máy ở nước ngoài vẫn có thể tiếp tục hoạt động dù lãi ít hoặc thậm chí thua lỗ.

Trong khi đó họ mải miết giành giật thị phần hoặc phục vụ những mục đích mang tính chiến lược của chính phủ.

CRRC, tập đoàn đường sắt quốc doanh khổng lồ của Trung Quốc, đã xây dựng 2 nhà máy ở Mỹ.

Các khoản đầu tư giúp CRRC lấy lòng các chính trị gia ở địa phương và cũng tuân thủ yêu cầu phải mua 1 lượng tối thiểu hàng hoá "made in USA".

CRRC đưa ra mức giá rẻ hơn 20% so với đối thủ gần nhất, thắng thầu ở Boston, Chicago, Los Angeles và Philadelphia.

Khi MA Steel mua lại Valdunes với giá chỉ 13 triệu euro, công ty Pháp đang gặp rắc rối về tài chính.

MA Steel coi vụ M&A này là 1 cách để mở rộng các kênh bán hang ở nước ngoài và tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất trong ngành.

Sau sáp nhập, công ty mới là MG-Valdunes nhận được khoản vay từ Bank of China và Ngân hàng xây dựng Trung Quốc với lãi suất chỉ từ 1% đến 2%.

Valdunes bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm giá rẻ sang Australia.

Vì nhập khẩu từ cả Valdunes và các nhà máy của MA Steel ở Trung Quốc tang vọt, Australia đã áp thuế chống bán phá giá đối với 2 công ty này.

Cùng năm đó, lỗ của công ty ngày càng tăng.

Hội đồng quản trị MA Steel phê duyệt cấp thêm 70 triệu USD cho Valdunes, với lập luận "Valdunes chính là chiếc cầu nối để chinh phục các thị trường ở châu Âu cũng như toàn thế giới".

Tham khảo Wall Street Journal