Tiền điện tử sẽ còn giảm giá đến khi nào?

24/01/2022 07:04 toquoc.vn

Có vẻ như các nhà đầu tư toàn cầu đã bước vào năm với chiến lược giảm bớt các tài sản rủi ro cao, do đó mối tương quan giữa các tài sản đầu cơ như tiền điện tử và cổ phiếu, đã tăng lên, dẫn đến tình trạng giảm giá trên diện rộng.

Bitcoin giảm khoảng 40% so với mức cao nhất mọi thời đại là gần 69.000 USD hồi tháng 11/2021, trong khi S&P 500 giảm khoảng 8% so với mức đỉnh cao của chỉ số này, chỉ số Nasdaq 100 cũng giảm 10% trong cùng khoảng thời gian.

Từ mức khoảng 40.000 – 44.000 USD trong suốt tuần qua, Bitcoin đột ngột lao dốc xuống dưới 35.000 USD vào ngày 22/1, có thời điểm xuống gần chạm 34.000 USD. Sáng 23/1, giá Bitcoin vẫn chưa thoát được ngưỡng 35.000 USD. Giá trị thị trường tiền điện tử toàn cầu bị cuốn bay hơn 1.000 tỷ USD vì sự cố này, trong đó riêng thị trường Bitcoin mất hơn 600 tỷ USD.

Diễn biến giá Bitcoin trong tuần qua.

Việc bán tháo đã đẩy nhanh đà trượt giá kéo dài từ khoảng hai tháng nay trên thị trường tiền điện tử toàn cầu - vốn đã bốc hơi 1,4 nghìn tỷ USD kể từ đầu tháng 11 đến đầu tháng 1.

Vụ ‘tai nạn’ mới nhất của thị trường tiền điện tử xảy ra do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gia tăng khả năng nâng lãi suất ngay sau tháng 3/2021 và khẩn cấp rút các biện pháp kích thích kinh tế khỏi thị trường.

Các loại tiền kỹ thuật số khác như: Ethereum, Finance Coin và Cardano cũng chứng kiến ​​những cuộc khủng hoảng tương tự; Solana, Dogecoin và Shiba Inu cũng không thoát khỏi việc giảm giá mạnh. Trong đó, Ether, tiền điện tử lớn thứ hai thế giới theo vốn hóa thị trường, đã giảm khoảng 13% trong ngày 22/1, so với mức giảm 14% của AVAX và mức giảm 16% của FTM trong cùng ngày.

Vụ ‘tai nạn’ mới nhất đang chứng tỏ sự nguy hiểm của việc ngày càng nhiều người chỉ mua và bán tiền điện tử vì mục đích đầu cơ với hy vọng thu được lợi nhuận nhanh chóng, chứ không phải để thúc đẩy sự chuyển đổi tài chính theo hướng đưa tiền điện tử tiến xa hơn nữa vào việc sử dụng chính thống như một kho lưu trữ giá trị hoặc một phương thức thanh toán thay thế.

Mục đích giao dịch để kiếm lời từ tiền điện tử gần đây giống như việc hàng triệu người tham gia vào cơn sốt vàng kỹ thuật số.

Những người đặc biệt ủng hộ Bitcoin cho rằng giá trị của đồng tiền này nằm ở nguồn cung hạn chế - mạng lưới cung cấp Bitcoin sẽ chỉ đúc được 21 triệu mã thông báo - cho thấy đó rất có tiềm năng trở thành nơi an toàn để gửi tiền trong thời kỳ lạm phát cao.

Nhưng giá cả đang tăng trên toàn cầu, ở Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm, khiến luận điểm trên trở nên ‘căng thẳng’. Thực tế là Fed đang chuẩn bị nâng lãi suất, và nhiều nhà đầu tư vì thế bắt đầu rủi lui, không chỉ khỏi tiền điện tử mà cả những tài sản có độ rủi ro cao khác, như hàng hóa hay chứng khoán.

Thị trường chứng khoán cũng trong tình trạng bán tháo rầm rộ và thu hút nhiều sự chú ý nhất trong những ngày gần đây, với lý do tương tự như trên thị trường tiền kỹ thuật số.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 4,6% trong tuần qua, xuống 34.265,37; trong khi S&P 500 giảm 5,7% kể từ thứ Ba (18/1) xuống 4.397,94; chỉ số tổng hợp Nasdaq của các công ty công nghệ cũng giảm 7,6% trong tuần, xuống 13.768,92.

Chỉ số Dow giảm liên tiếp 6 phiên gần đây, là chuỗi giảm giá hàng ngày dài nhất kể từ tháng 2 năm 2020. Trong khi đó, S&P 500 giảm 3 tuần liên tiếp, kết thúc tuần ở dưới mức trung bình động 200 ngày, mức kỹ thuật quan trọng, lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm 2020. So với mức cao kỷ lục vào đầu tháng 1/2021, chỉ số S&P 500 đã mất 8,3%.

Trước kia, khi nhà đầu tư rút tiền khỏi thị trường chứng khoán thì sẽ đổ vào tiền điện tử, nhưng mọi thứ đã thay đổi. Lần này, thay vì các nhà đầu tư chuyển tiền từ chứng khoán sang Bitcoin thì việc rút tiền khỏi thị trường tiền điện tử thậm chí còn nhanh hơn việc rút ra khỏi thị trường chứng khoán.

Bob Fitzsimmons, phó chủ tịch điều hành phụ trách thu nhập cố định, hàng hóa và cho vay cổ phiếu của công ty Wedbush Securities cho biết: "Với mức lạm phát mà chúng ta đang thấy, bạn sẽ thấy điều ngược lại", và "Xuất hiện mối tương quan cùng chiều giữa giá Bitcoin và cổ phiếu, và điều đó khiến tôi rất ngạc nhiên".

Bitcoin đang lao dốc và mối tương quan với chỉ số S&P500.

Câu hỏi lúc này là liệu hiện tượng ‘chảy máu’ trên thị trường tiền điện tử có dừng lại hay không?

Bối cảnh thị trường hiện nay là các nhà đầu tư có vẻ đang quay lưng lại với các tài sản rủi ro, khi mà lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh (gần đây duy trì ở mức cao nhất trong vòng khoảng 2 năm) và Fed sắp nâng lãi suất thực sự sau khi loại bỏ cụm từ "nhất thời" ra khỏi nhận định về vấn đề lạm phát. Do đó, các nhà đầu tư đang tăng cường bán tháo bất cứ thứ gì có thể đầu cơ lâu dài, trong đó lĩnh vực tiền điện tử nằm trong số các loại tài sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Kể cả các tweet gần đây của ông Elon Musk ủng hộ Dogecoin cũng không đủ để giữ cho mã thông báo meme này thoát khỏi cảnh lao dốc mạnh mẽ trong tuần này.

Đối với Bitcoin và Ethereum, có vẻ như các nhà đầu tư đang để mắt đến các blockchain nhỏ hơn và có khả năng cạnh tranh không kém, trong bối cảnh vòng quay vốn trên thị trường tiền điện tử dù có biến động mạnh nhưng ít nhiều đã có sự ổn định nhất định.

Tuy nhiên, Bitcoin và Ethereum vẫn được hưởng lợi từ thực tế là những loại tiền số lớn hơn bắt cứ mạng blockchain nào.

Đã có một số dự báo đích tiếp theo của Bitcoin sẽ là 30.000 USD, rồi tiếp đến là 20.000 USD.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn dự đoán thị trường sẽ hồi phục trong ngắn hạn. "Chúng tôi kỳ vọng Bitcoin sẽ tìm thấy đáy ở mức khoảng 35.000 USD. Trong ngắn hạn, đồng tiền này có thể thử thách trở lại ngưỡng 45.000 – 50.000 USD, nhưng triển vọng chung vẫn có khả năng giảm do thanh khoản vẫn eo hẹp", Pankaj Balani, Giám đốc điều hành của Delta Exchange, một sàn giao dịch phái sinh tiền điện tử, cho biết.

Và với việc tiền điện tử đang diễn biến cùng chiều với thị trường chứng khoán, không thể dự đoán về giá Bitcoin mà không xem xét triển vọng các chỉ số chứng khoán Mỹ. Với việc Fed sắp nâng lãi suất, có thể thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu đã lùi về quá khứ.

Tham khảo: Coindesk, Brisbanetimes, Timesnownews