Thủ tướng nêu 10 điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

06/01/2022 11:18 congluan.vn

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 vào chiều nay (5/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thử thách, Chính phủ, chính quyền các địa phương đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vững quốc phòng - an ninh, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng nêu rõ, nhìn chung, đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu các cấp giao Chính phủ và chính quyền địa phương, với 10 điểm sáng, đó là:

Một là, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đẩy nhanh ngoại giao và tiến trình tiêm vaccine; điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, ban hành các gói hỗ trợ, tạo điều kiện khôi phục kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, đến nay, Việt Nam đã đúc kết được các công thức, phương châm phòng chống dịch, cộng với độ bao phủ vaccine, Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần Kết luận của Trung ương.

Hai là, tăng trưởng GDP phục hồi trong quý 4, là mức đáng khích lệ, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động KTXH. Kinh tế nước ta đang phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2021, GDP tăng 2,58%, thấp hơn kế hoạch đề ra, song vẫn cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp.

Ba là, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. 

Mặt bằng lãi suất giảm nhẹ và duy trì ở mức thấp. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,8% so với đầu năm (năm 2020 giảm 1%), thấp nhất trong vòng 20 năm. Tín dụng năm 2021 ước tăng khoảng 13,5%, cao hơn so với mức 13% năm trước. Huy động vốn có tốc độ tăng chậm hơn, tăng khoảng 9%, thấp hơn mức tăng 13-14% các năm trước, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo, do điều hành linh hoạt hơn.

Bốn là, đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động.  Vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Giải ngân vốn FDI cả năm 2021 đạt gần 20 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm trước, nhưng đặc biệt, tình hình đã cải thiện trong quý IV khi Việt Nam thay đổi chiến lược phòng chống dịch và đẩy nhanh tiến trình vaccine.

Năm là, xuất khẩu là điểm sáng, thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế.  Kim ngạch XNK vượt 668 tỷ USD tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, trong đó XK ước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; nhập khẩu đạt 332,3 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, duy trì xuất siêu.

Sáu là, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, dù so với mong muốn, yêu cầu thì chưa đạt được.  Theo báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) và xếp hạng 14/50 trong khu vực châu Á về quy mô kinh tế internet. Kinh tế internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020.

Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Indonesia và Singapore) về thu hút vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 11% tổng số vốn của khu vực,  đạt khoảng 4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020)...

Bảy là, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng. Theo đó, đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn. 

Đặc biệt, theo Thủ tướng là việc tổ chức rất thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Dạy và học được tổ chức linh hoạt, phù hợp, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Tám là, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng thể chế; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thực hiện quyết liệt. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng...

Chín là, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chú trọng xử lý các tình huống phát sinh trên biển, biên giới đất liền, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. 

Mười là, hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó chiến lược ngoại giao vaccine giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng tại Việt Nam. Hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, tham dự và có tiếng nói tích cực tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN và giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế đang được quan tâm….