Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng 8,2% giai đoạn 2016-2020

07/07/2021 12:43 congluan.vn

Theo kết quả được công bố, thu nhập bình quân (TNBQ) 1 người trong 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019.

Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016 - 2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng).

Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,4%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,5%.

Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.

Nhóm 20% hộ giàu nhất (nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm 20% hộ nghèo nhất (nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng.

Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6,0 triệu đồng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,7 triệu đồng).

Về chi tiêu, năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, chỉ tăng 13% so với năm 2018.

Mức tăng này thấp hơn mức tăng bình quân 18% của giai đoạn trước (2018 đến 2016), do người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng.

Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất là hơn 3,9 triệu đồng/người/tháng.

Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất, tương đương 2,1 triệu đồng.

Ngoài ra mức tăng chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2020 chỉ tăng 5% so với 2018 trong khi vùng Đông Nam Bộ tăng tới 17,3% so với năm 2018. 

Trong đó, chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình.

Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,35 triệu đồng và không phải ăn uống là xấp xỉ 1,37 triệu đồng.

Năm 2020, sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất lên tới 3,5 lần, với chi bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng so với gần 1,4 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1. 

Trong tiêu dùng thực phẩm, kết quả khảo sát cho thấy một xu hướng rõ ràng là các hộ gia đình có xu hướng giảm dần việc tiêu thụ tinh bột, như việc lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng năm 2020.

Các hộ gia đình vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị.

Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất (9,1 so với 6,6 kg/người/tháng. 

Dương Lâm