Thị trường tín dụng trong tháng 9 giảm mạnh

06/10/2021 08:07 Hoàng Mai

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, các hoạt động thị trường mở không phát sinh giao dịch mới trong tuần qua.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hầu như đi ngang, kết tuần ở 0,71% (+1 điểm cơ bản (bps)) cho kỳ hạn qua đêm và 0,84% (+4 bps) cho kỳ hạn 1 tuần.

Trong tuần này, một lượng tiền đồng sẽ được bơm ra ngoài thị trường thông qua hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn đáo hạn.

Nếu hoạt động thị trường mở tiếp tục không có giao dịch như tuần trước thì thanh khoản trên hệ thống duy trì trạng thái dồi dào.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 20/9/2021, tín dụng toàn nền kinh tế và huy động vốn từ các tổ chức tín dụng lần lượt tăng 7,17% và 4,28% so với cuối năm 2020 (so với mức 4,99% và 7,35% năm 2020).

Tuy nhiên, nếu xét theo tháng, tín dụng đã chậm lại trong tháng 9 với mức giảm 0,23% so với tháng 8 – tương đương khoảng 30 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Do vậy, chênh lệch giữa tiền gửi – tín dụng đã được cải thiện và giúp giảm áp lực lên thanh khoản hệ thống.

trên thị trường ngoại hối quốc tế, đồng USD đã có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số Dollar-Index tăng mạnh và vượt mức 94 điểm, tương đương với mức tăng 0,76% trong 1 tuần sau động thái có phần cứng rắn hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc thu hẹp quy mô bảng cân đối tài sản.

Một số chuyên gia cho rằng, thị trường hiện đang đánh giá cao khả năng FED sẽ bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản hàng tháng vào cuối năm nay và nâng lãi suất vào cuối năm sau và diễn biến của lợi suất TPCP đang phản ảnh thông tin trên, khi bật tăng đột ngột từ 1,3% lên 1,5% trong vòng 1 tuần.

Hầu hết các đồng tiền chủ chốt đều giảm giá mạnh so với USD như EUR -1,06%, GBP -0,97%. Các đồng tiền của thị trường mới nổi cũng có phản ứng tiêu cực, với mức giảm mạnh nhất thuộc về Bạt Thái (-1,2%).

Tại Việt Nam, trái ngược với diễn biến trên thị trước quốc tế, tỷ giá USD/VND niêm yết ở các ngân hàng thương mại giảm nhẹ 10 điểm ở cả 2 chiều mua và bán, kết tuần giao dịch ở mức 22.630/22.860 đồng (mua vào/bán ra).

Biến động mạnh của giá vàng thế giới trong tuần qua (giảm tới 1,4% so với cuối tuần trước trong phiên ngày thứ 4 và kết tuần quay trở lại tăng 0,6%) khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước – quốc tế đã có lúc tiến sát mức 10 triệu đồng/lượng và làm tỷ giá trên thị trường tự do biến động mạnh.

Kết tuần, tỷ giá tăng 95 đồng/USD cho chiều mua vào và giảm 5 đồng/USD cho chiều bán ra. Giá vàng trong nước giao động trong biên độ hẹp 56 – 57 triệu đồng/lượng.

Số liệu cán cân thương mại ước tính trong tháng 9 từ Tổng cục Thống kê tương đối tích cực, khi quay lại xuất siêu 500 triệu USD.

Theo các chuyên gia này, mặc dù, cần quan sát thêm số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan, việc Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa dần lại nền kinh tế và tập trung khôi phục lại hoạt động sản xuất được kỳ vọng sẽ giúp cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm và đồng thời giúp FDI giải ngân cũng có diễn biến tích cực hơn.

Nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỷ giá USDVND duy trì trạng thái ổn định.