Thị trường ngày 20/9: Giá dầu tăng, vàng gần đáy 29 tháng, đồng, sắt, cà phê, lúa mì cùng giảm

21/09/2022 05:59 toquoc.vn

Dầu tăng do lo ngại về nguồn cung

Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch thứ Hai (19/9) đầy biến động do nỗi lo về nguồn cung thắt chặt vượt qua nỗi lo rằng nhu cầu trên toàn cầu có thể chậm lại do USD mạnh và lãi suất dự báo tăng cao.

Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 11 kết thúc phiên tăng 65 cent, tương đương 0,7%, lên 92 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 10 tăng 62 cent lên 85,73 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%.

Một tài liệu nội bộ cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu, được gọi là OPEC +, đã không đạt mục tiêu sản xuất dầu 3,583 triệu thùng/ngày (bpd) vào tháng 8. Tháng 7, OPEC + cũng đã bỏ lỡ mục tiêu 2,892 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, nhiều thương gia tuần này chỉ giao dịch cầm chừng để chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed.

Khối lượng giao dịch phiên 19/9 cũng không nhiều vì nước Anh tổ chức Quốc tang cho Nữ hoàng Elizabeth.

Vàng gần mức thấp nhất 29 tháng

Giá vàng giảm trong phiên vừa qua, quay trở lại mức thấp nhất trong 29 tháng chạm tới hôm thứ Sáu (16/9) do đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ ở mức cao bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp tuần này.

Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.670,72 USD/ounce; cao hơn một chút so với mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2020, chạm tới vào thứ Sáu.

Giá vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,3% xuống 1.678,20 USD.

Fed sẽ kết thúc cuộc họp chính sách tháng 9 vào thứ Tư (21/9), dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản để chống lại lạm phát cao, thậm chí các nhà giao dịch trên thị trường còn thấy có 20% khả năng lãi suất sẽ tăng 100 điểm cơ bản.

Đồng giảm do triển vọng nhu cầu ảm đạm

Giá đồng giảm trong phiên thứ Hai do thị trường gia tăng lo lắng về nhu cầu đồng trên toàn cầu bởi dự đoán Fed sẽ quyết định tăng lãi suất mạnh mẽ một lần nữa vào cuối tuần này.

Giá vàng giao ngay trên Sàn Giao dịch kim loại London kết thúc phiên giao dịch giảm 0,1% xuống 7.755 USD/tấn.

Lãi suất của Mỹ tăng có nghĩa là đồng USD sẽ mạnh lên, làm cho các kim loại được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu.

Triển vọng về một cuộc suy thoái tiềm năng ở châu Âu kết hợp với sự suy yếu gần đây của Trung Quốc đã dẫn đến sự suy giảm các vị thế đầu cơ, khiến giá đồng sụt giảm".

Giá đồng, được sử dụng trong ngành điện và xây dựng, đã giảm gần 30% kể từ khi chạm mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn vào đầu tháng Ba.

Cà phê giảm gần 3%

Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai trên sàn ICE của Mỹ tăng gần 3% do nguồn cung giảm và quan điểm về vụ mùa thấp hơn dự kiến ở Brazil.

Cà phê arabica giao tháng 12 tăng 6 cent, tương đương 2,8%, lên 2,211 USD/lb, trong một phiên giao dịch không ổn định. Hợp đồng này đã tăng trở lại sau khi chạm mức thấp nhất gần một tháng trước đó, là 2,1085 USD/lb.

Lượng cà phê lưu trữ tại các kho của sàn ICE hôm 16/9 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 1999, là 532.448 bao, chỉ còn hơn 3.000 bao đang chờ phân loại.

Không có giá cà phê robusta do sàn giao dịch cà phê tại London đóng cửa trong ngày tang lễ Nữ hoàng.

Đường giảm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,19%, tương đương 1,1%, xuống 17,69 cent/lb.

Các đại lý cho biết thị trường có vẻ "yếu đi" do dự kiến sản lượng ở châu Á và Brazil tăng, sự hỗ trợ là mức giá thấp như hiện tại sẽ không thu hút được xuất khẩu đường của Ấn Độ.

Không có giá đường trắng do sàn giao dịch đường tại London đóng cửa trong ngày tang lễ Nữ hoàng.

Dầu cọ giảm

Giá dầu cọ tăng vào đầu phiên giao dịch thứ Hai (19/9), nhưng quay đầu giảm về cuối phiên, kết thúc phiên giảm thứ 3 liên tiếp do ước tính sản lượng dầu cọ tháng 9 tăng mạnh hơn nhu cầu.

Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 12 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa (Malaysia) giảm 82 ringgit, tương đương 2,17%, xuống 3.701 ringgit (813,76 USD)/tấn, sau khi tăng hơn 2% lúc đầu phiên.

Các thương nhân dẫn dữ liệu từ Hiệp hội các nhà ép nghiền dầu cọ ở Bán đảo Nam (SPPOMA) cho biết sản lượng tại nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới – Malaysia - trong thời gian từ ngày 1-15 tháng 9 tăng 7,5%. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia từ ngày 1-15/9 đã tăng từ 19% đến 25% so với cùng kỳ tháng 8, các nhà khảo sát hàng hóa cho biết tuần trước.

Lúa mì giảm, ngô và đậu tương tăng

Giá lúa mì giảm do sản lượng của Nga dự kiến sẽ tăng, từ đó cạnh tranh với lúa mì xuất khẩu của Mỹ - vốn đã gặp khó khăn bởi đồng USD mạnh lên.

Giá đậu tương tăng bởi nhu cầu từ phía Trung Quốc mạnh, trong khi giá ngô cũng tăng nhẹ.

Giá lúa mì Mỹ trên sàn Chicago giảm 29-1/4 cent xuống 8,30-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương tăng 12-3/4 cent kết thúc phiên ở mức 14,61-1/4 USD/bushel, trong khi ngô tăng 1 cent lên 6,78-1/4 USD/bushel.

Công ty tư vấn IKAR của Nga đã nâng dự báo sản lượng lúa mì Nga vụ 2022 thêm 2 triệu tấn, lưu ý rằng nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới sẽ có 47,5 triệu tấn có sẵn để giao hàng trong năm 2022/2023.

Quặng sắt giảm

Giá quặng sắt trên cả hai sàn Đại Liên (Trung Quốc) và Singapore đều giảm do chính sách Zero Covid của Trung Quốc và lĩnh vực bất động sản của nước này tiếp tục trì trệ.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc giao dịch ban ngày ở mức giảm 1,4% xuống 705,50 nhân dân tệ (100,61 USD)/tấn.

Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10 giảm 1,2% xuống 96,80 USD/tấn.

Các nhà giao dịch tỏ ra thận trọng với khả năng những biện pháp chống Covid vì mục tiêu Zero Covid có thể sẽ kéo dài đến Đại hội Đảng Trung Quốc vào tháng tới.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 20/9: