Thị trường lao động Mỹ tăng trưởng mạnh, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5,4%

08/08/2021 07:50 Phương Anh/ CNBC

Theo báo cáo từ Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết, số lượng việc làm tại Mỹ trong tháng 7 tăng nhanh nhất trong gần một năm trở lại đây, bất chấp những lo ngại về tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta trong khi nguồn cung lao động còn đang eo hẹp.

Số lượng người Mỹ làm việc hoặc tìm việc trong những tháng gần nhất cũng như mức lương theo giờ đồng loạt tăng.

Theo Cục Thống kê Lao Động Mỹ cho biết, số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tại Mỹ tăng 943.000 trong tháng 7/2021 (tăng cao nhất kể từ tháng 8/2020), trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu xuống chỉ còn 5,4%.

Tại thời điểm còn nhiều lo ngại rằng tỷ lệ lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng, thu nhập trung bình theo giờ của người lao động Mỹ trong tháng 7 vẫn cao hơn dự kiến, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết: “Dữ liệu trong những tháng gần đây cho thấy nhu cầu lao động gia tăng có liên quan đến sự phục hồi sau đại dịch, có thể gây ra áp lực tăng lương.”

Cơ quan này cũng cảnh báo rằng tác động của đại dịch có thể làm sai lệch dữ liệu và mức tăng lương giữa các ngành nghề là không đồng đều.”

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã có phần khởi sắc rõ rệt. Cụ thể, hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đồng thời đạt mức điểm kỷ lục mới ngay giờ mở cửa phiên giao dịch vào sáng thứ sáu.

Ông Robert Frick, chuyên gia nghiên cứu doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union (Liên minh Tín dụng Liên bang Hải quân) nhận định rằng: “Đây không chỉ là một báo cáo về số lượng việc làm tăng nhanh trên mọi phương diện, mà nó còn báo hiệu nhiều điều tốt đẹp hơn sắp tới”.

Cũng trong vài tháng trở lại đây, số lượng việc làm trong lĩnh vực giải trí và khách sạn tăng 380.000, trong đó có đến 253.000 vị trí làm việc tại các quán bar và nhà hàng.

Giải trí và khách sạn là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ đại dịch, nhưng số lượng việc làm trong lĩnh vực này đã tăng ổn định kể từ khi nền kinh tế được mở cửa trở lại.

Trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp trong lĩnh vực giải trí và khách sạn cũng đã giảm xuống 9% từ mức 10,9% được công bố trong tháng 6 và mức 25% trong cùng kỳ năm trước.

Tiền lương trong lĩnh vực này tăng không đáng kể, chỉ tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 3,1% so với một năm trước đó.

Số lượng việc làm trong lĩnh vực giáo dục cũng tăng mạnh với 261.000 vị trí mới.

Tuy nhiên, Cục Thống kê Lao động Mỹ cảnh báo rằng đại dịch đã làm sai lệch số liệu việc làm của ngành này và có khả năng con số tăng trưởng việc làm trong tháng 7 còn cao hơn nữa.

Dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh đã đóng góp 60.000 việc làm mới cho thị trường lao động Mỹ, trong khi lĩnh vực vận tải và kho bãi tăng thêm 50.000 nhân viên mới.

Các lĩnh vực cũng cho thấy sự gia tăng số lượng người lao động bao gồm dịch vụ khác (tăng 39.000), chăm sóc sức khỏe (tăng 37.000), sản xuất (tăng 27.000), thông tin (tăng 24.000), hoạt động tài chính (tăng 22.000) và khai khoáng (tăng 7.000).

Tuy nhiên, số lượng việc làm trong lĩnh vực bán lẻ giảm 6.000 trong tháng 7, trong khi lĩnh vực thương mại xây dựng và bán buôn vẫn giữ nguyên.

Các con số được đưa ra trong bối cảnh một loạt các ca nhiễm mới do biến chủng Delta vẫn đang gia tăng chóng mắt tại Hoa Kỳ và các quốc gia trên toàn thế giới, với những ca bệnh nghiêm trọng nhất xảy ra ở những khu vực mà phần lớn người dân chưa được tiêm vaccine.

Đồng thời, Hoa Kỳ được cho là đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động kéo dài.

Indeed, một trang web giới thiệu việc làm ước tính nhu cầu tuyển dụng đã lên tới 9,8 triệu tính đến ngày 16 tháng 7, cao hơn nhiều so với con số 8,7 triệu người được cho là thất nghiệp.

Bên cạnh đó, trong một cuộc khảo sát với 5.000 người tìm việc, số lượng những người viện lý do sức khỏe để không tìm việc cũng đã giảm.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm từ mức đỉnh điểm là 14,8% (trong thời kỳ đại dịch) xuống còn 5,4%, nhưng vẫn còn cao hơn so với mức 3,5% trước đại dịch.

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cam kết sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến khi thị trường việc làm có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.