Thị trường chứng khoán đón sóng

18/08/2024 01:26 daidoanket.vn

Giới chuyên gia nhận định, nhiều yếu tố tích cực từ nội tại nền kinh tế sẽ hỗ trợ sự hồi phục của thị trường trong các tháng tới. Thị trường chứng khoán đang chờ đón dòng tiền lớn, đẩy thanh khoản đạt kỷ lục 3 tháng.

Dòng tiền nhập cuộc

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 330.000 tài khoản trong tháng 7/2024, gấp 3 lần tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 2 năm. Dù số lượng tài khoản tăng lên nhưng nửa đầu tháng 8, thị trường giao dịch có phần chậm lại khi thanh khoản suy giảm. Giới phân tích đánh giá, giao dịch chững lại có thể do nhà đầu tư lo ngại một số rủi ro địa chính trị thế giới và phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến, do vậy thực hiện quản lý rủi ro trước các biến động thường xuyên và khó dự đoán của thị trường chứng khoán (TTCK).

Thế nhưng, chứng khoán cũng là nơi thị trường có thể đổi chiều rất nhanh. Sang phiên giao dịch ngày 16/8, dòng tiền chính thức nhập cuộc sôi động đã giúp thị trường ngập tràn sắc xanh và VN-Index tăng vọt hướng vượt mốc 1.240 điểm. Trong đó, hàng loạt mã bất động sản vừa và nhỏ đang “nổi sóng” bởi lực cầu hấp thụ mạnh.

Còn nhóm cổ phiếu chứng khoán, vốn được mệnh danh là “tín hiệu” của thị trường mức tăng tốt như FTS tăng hơn 6%, BSI và CTS cùng tăng hơn 5,5%. Chốt phiên giao dịch sáng 16/8 sàn HOSE có 368 mã tăng và 65 mã giảm, VN-Index tăng 20,42 điểm (+1,67%) lên 1.243,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 497,5 triệu đơn vị, giá trị 11.569 tỷ đồng, tăng mạnh 142,3% về khối lượng và 133,77% về giá trị so với ngày 15/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,5 triệu đơn vị, giá trị 612,45 tỷ đồng.

tren(1).jpg

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường

Giới chuyên gia nhận định nhiều yếu tố tích cực từ nội tại nền kinh tế sẽ hỗ trợ sự hồi phục của TTCK trong các tháng tới.

Các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, lạm phát vẫn đi sát mục tiêu của Chính phủ và tỷ giá USD/VND đang được kiểm soát là yếu tố tích cực tác động đến thị trường. Chưa kể kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất điều hành 2-3 lần từ nay đến cuối năm đang dần trở nên hiện hữu, giúp giảm bớt áp lực tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt hơn để bơm thanh khoản vào hệ thống, đặc biệt là trong quý IV (thông qua kênh OMO và mua vào USD), qua đó giúp duy trì mặt bằng lãi suất trong nước ở mức hấp dẫn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo chiến lược tháng 8/2024 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo dựa vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 14 - 18% của doanh nghiệp (DN) niêm yết thì dự báo vùng hợp lý của thị trường là 1.236 - 1.420 điểm.

"Các cơ hội đầu tư được lựa chọn trong nửa cuối năm là những DN duy trì được xu hướng phục hồi, tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản. Ngoài ra, dệt may cũng là nhóm ngành nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại nếu có sự chiết khấu mạnh về giá cổ phiếu trong các đợt điều chỉnh giảm của thị trường khi xu hướng lợi nhuận của ngành này là khả quan" - chuyên gia VDSC phân tích.

Theo nhóm chuyên gia của SSI Research, nếu tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì tích cực trong giai đoạn cuối năm và hỗ trợ cho sự tăng trưởng tiếp theo của DN niêm yết, TTCK sẽ được hỗ trợ về dài hạn. Tuy nhiên, tín hiệu suy thoái ở các nền kinh tế lớn sẽ là yếu tố rủi ro cần được theo dõi sát bởi sẽ đây cũng sẽ là yếu tố rủi ro cho quá trình phục hồi của Việt Nam.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng kỳ vọng, với việc điều chỉnh nhanh và mạnh, chủ yếu theo đà diễn biến của chứng khoán toàn cầu thay vì phản ánh bức tranh kém khả quan về hoạt động kinh doanh của DN, thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại.

Về nửa cuối năm 2024, chuyên gia của Rồng Việt cho rằng môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm DN vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan sẽ là động lực để thị trường sớm phục hồi. Đáng chú ý, nhóm ngành dệt may là nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại nếu có sự chiết khấu mạnh về giá cổ phiếu trong các đợt điều chỉnh của thị trường khi mà xu hướng lợi nhuận của ngành này là khả quan.

Về dài hạn, ông Đinh Minh Trí - Trưởng Phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, khi tìm hiểu về TTCK Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đều kỳ vọng sớm có thêm làn sóng phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của các DN lớn.

Gần 10 năm trước (giai đoạn 2016-2017) làn sóng IPO của DN đã góp phần nâng tầm cho thị trường, tạo lượng hàng hóa lớn cho thị trường. Sau đó, có nhiều mã cổ phiếu vươn lên, thành những mã vốn hóa cả tỷ USD. Nhưng hiện tại, quá trình IPO chậm dần hoặc gần như không thấy IPO. Ông Trí kỳ vọng chủ trương của Chính phủ sẽ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của DN nhà nước để thu hút dòng vốn ngoại.

Về mặt vĩ mô, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước nói, trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung triển khai Chương trình hành động của Ủy ban Chứng khoán nhà nước thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Đồng thời, đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Ngoài ra, tiếp tục tái cấu trúc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để nâng cao năng lực hoạt động và an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.

 

Link gốc