Thế giới đối phó với vấn nạn tín dụng đen thế nào?

05/12/2021 14:40 congluan.vn

Từ lâu tín dụng đen đã trở thành mối họa và đã tạo ra rất nhiều vấn nạn nhức nhối trong đời sống - xã hội. Tuy nhiên, không chỉ tại Việt Nam, vấn nạn tín dụng đen còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả những quốc gia siêu cường kinh tế như Mỹ cũng có hình thức tín dụng đen.

Nhằm đối phó với sự bành trướng của tín dụng đen, Chính phủ các nước đã có nhiều giải pháp và chúng đã đem lại một số hiệu quả rõ rệt.

Không chỉ tại Việt Nam, vấn nạn tín dụng đen còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả những quốc gia siêu cường kinh tế như Mỹ cũng có hình thức tín dụng đen.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: Dựa vào kinh nghiệm đối phó của tín dụng đen trên thế giới, Việt Nam có thể dựa vào đó để tìm ra giải pháp phù hợp để ngăn chặn triệt để vấn nạn tín dụng đen.

Đơn cử, như tại Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức công nhận vai trò quan trọng của ngành ngân hàng ngầm trong đó có tín dụng đen trong nền kinh tế, nhưng cũng đã có những phương thức quản lý để hạn chế rủi ro đến từ tín dụng đen. 

Theo ông Cấn Văn Lực, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một chương trình cho phép các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu vực tài chính không chính thức ở một số hoạt động nhất định được phép đăng ký kinh doanh để hoạt động chính thức, từ đó có thể kiểm soát một cách hiệu quả hơn. 

Đồng thời, Trung Quốc cũng từng bước thực hiện chính sách tự do hóa lãi suất để hướng các nhu cầu đầu tư, tín dụng từ khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức.

Cùng với đó, Trung Quốc tăng cường theo dõi, giám sát để phát hiện các khoảng tối của các sản phẩm ngoại bảng tại các ngân hàng, ngăn chặn việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu thành các sản phẩm có tài sản không đảm bảo. 

Từ đó, làm giảm hoạt động cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng ngầm, gián tiếp đẩy lùi cho vay tín dụng đen thông qua hệ thống tổ chức tài chính phi chính thức.

Trong khi đó, tại Mỹ, đối với hành vi cho vay trấn lột, Chính phủ Mỹ ban hành luật định chuyên biệt ở cả cấp liên bang và cấp bang.

Ông Lực phân tích: Các hành vi được coi là tín dụng trấn lột được định nghĩa gồm, thay đổi điều kiện tín dụng theo hướng gây tổn hại cho bên vay; che giấu, trình bày sai gây hiểu nhầm cho bên vay về các điều kiện vay; phạt trả trước với phí cao và cho vay nặng lãi, chiếm đoạt vốn…

“Chính phủ Mỹ cũng đã nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật cấm các tổ chức tín dụng, tổ chức trong phạm vi điều chỉnh thực hiện các hành vi trên”, ông Lực nói.

Tại Bangladesh, Chính phủ kêu gọi các ngân hàng thương mại nới rộng tín dụng, cho vay với thủ tục nhanh chóng, tiêu chí cởi mở hơn. Đồng thời, Chính phủ đã xúc tiến thực hiện chiến lược phổ cập tài chính quốc gia.

Thông qua đó, giáo dục kiến thức về tài chính cho dân chúng bởi lẽ nếu người dân có hiểu biết tài chính họ sẽ ý thức được những rủi ro mà họ sẽ phải đối mặt khi tham gia vào các hình thức tín dụng phi chính thức. Trên cơ sở đó, biết lựa chọn sản phẩm dịch vụ thích hợp, bảo vệ quyền lợi cho bản thân và gia đình.

Ngoài ra, một yếu tố nữa giúp ngăn chặn tín dụng đen ở Bangladesh, ông Lực tiết lộ đó là sự phát triển của ngân hàng Grameen (trong tiếng địa phương nghĩa là “làng xã”). 

Đây là một tổ chức tài chính vi mô được thành lập năm 1976 và đã có sự phát triển nhanh chóng trong giai đoạn 2003-2011. Grameen Bank đã cung cấp các khoản vay nhỏ, không cần đảm bảo cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ tại Bangladesh. 

“Đây là nhóm người thường bị các nhóm tín dụng đen lợi dụng do họ không có điều kiện để vay tiền từ những TCTD chính thức. Mô hình của Grameen Bank vì thế, đã giúp hạn chế hoạt động tín dụng đen cũng như hỗ trợ công tác giảm nghèo ở Bangladesh”, ông Lực cho biết.

Tại Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ và các cơ quan quản lý đã đẩy mạnh phát triển các loại hình tín dụng chính thức, tăng nguồn cung tín dụng, nới lỏng các điều kiện cho vay. 

Cùng với đó, nghiên cứu điều chỉnh khung pháp lý, ban hành các điều khoản, chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng huy động và cho vay tín dụng phi chính thức, đặc biệt là tín dụng đen.

“Từ những ví dụ trên, tôi cho rằng, 3 nhóm giải pháp chính để ngăn chặn tín dụng đen có thể áp dụng tại Việt Nam, đó là các giải pháp về quy định pháp lý và quản lý; các giải pháp về nâng cao kiến thức tài chính và các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn thông qua các hoạt động tài chính chính thức”, ông Lực nói.

Việt Vũ