Thanh toán di động Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về tỷ lệ người dùng, song vẫn là cuộc chiến 'dài hơi' cho doanh nghiệp

16/08/2021 13:19 toquoc.vn

Việt Nam: 'Miếng bánh' thanh toán qua di động màu mỡ

Trong báo cáo của Statista, tỷ lệ người dùng thành toán qua di động  tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam lần lượt là 39,5%, 29,9% và 29,1%.

Trong đó, tại thị trường Trung Quốc, sự thống trị của các app thanh toán như Alipay và Wechat Pay đã kéo một lượng lớn người dùng di động thanh toán các giao dịch tại các khu mua sắm, nhà hàng hay trên các nền tảng thương mại điện tử.

Thanh toán di động Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về tỷ lệ người dùng, song vẫn là cuộc chiến dài hơi cho doanh nghiệp  - Ảnh 1.

Xếp hạng tỷ lệ người dùng thanh toán qua di động trên thế giới. Nguồn Statista

Theo Allied Market Research, thị trường thanh toán qua di động tại Việt Nam đạt giá trị 250 tỷ USD trong năm 2019 và được ước lượng có thể cán mốc 2.732 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 30,2% trong giai đoạn 2020-2027.

Những thay đổi chóng mặt về công nghệ trong các năm gần đây đã giúp các tổ chức tài chính có thể cung cấp các dịch vụ như ngân hàng điện tử và mobile money cho nhiều người tiêu dùng hơn.

Hơn nữa, sự xuất hiện của nhiều công ty fintech đã thay đổi bộ mặt của lĩnh vực thanh toán di động tại thị trường Việt Nam.

Tính đến 2019, Việt Nam có hơn 45 fintech được thành lập, thì 2/3 trong số đó cung cấp các dịch vụ thanh toán di động.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay chỉ có khoảng 50% dân số có tài khoản ngân hàng.

Đặc biệt ở vùng nông thôn, số người có tài khoản ngân hàng còn tương đối thấp.

Tuy nhiên, nhờ sự xuất hiện của các dịch vụ thanh toán qua di động như các ví điện tử và sự cải thiện về cơ sở hạ tầng truyền thông, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút lượng lớn người tiêu dùng chuyển qua thanh toán điện tử.

Covid-19 thúc đẩy sử dụng các phương thức thanh toán điện tử

Theo dữ liệu nghiên cứu của tập đoàn Visa, lượng giao dịch thanh toán không tiếp xúc của người tiêu dùng Việt Nam đã tăng 230% vào quý 1/2021. Sự tăng trưởng của việc thanh toán không tiền mặt được cho là nhờ xu hướng sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và thanh toán mã QR của người tiêu dùng Việt Nam.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc tập đoàn Visa tại Việt Nam và Lào, cho biết: "Kể từ khi Covid-19 bùng phát, chúng tôi nhận thấy rằng thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể khi mọi người mong muốn trải nghiệm mua sắm an toàn hơn, tiện lợi hơn.

Đó là lý do tại sao chúng ta đang thấy nhiều người lần đầu tiên sử dụng thanh toán không tiếp xúc và nhiều công ty chuyển sang kỹ thuật số hơn và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục".

“Sự sẵn sàng chuyển đổi này là bằng chứng cho thấy nỗ lực đầu tư vào công nghệ mới của chúng tôi đã được người tiêu dùng đánh giá cao như thế nào và họ tin tưởng vào sự tiện lợi và bảo mật mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại”, bà Dung nói thêm.

Theo báo cáo của Fintech Boku và Juniper Research, tỷ lệ sử dụng các ví điện tử của Việt Nam vào năm 2020 là gần 20%, được dự báo sẽ tăng lên 55,5% vào năm 2025.

Năm 2020, số giao dịch được thực hiện trên các ví điện tử là 19,2 triệu giao dịch.

Các chuyên gia của Juniper Research còn dự báo năm 2025, số giao dịch thông qua các ví điện tử sẽ đạt 5 tỷ giao dịch.

Hiện nay, giá trị của các giao dịch qua ví điện tử tại Việt Nam là 14 tỷ USD. Theo tính toán của báo cáo trên, năm 2025 giá trị giao dịch của thể tăng lên gấp 3 lần, đạt 48,6 tỷ USD.

Việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang các phương thức khác sẽ tạo ra sự an toàn và tiện lợi.

Theo báo cáo của tập đoàn Visa, khi được hỏi về lý do chuyển đổi việc sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử, 58% trả lời là tính an toàn và 56% cho rằng việc sử dụng thanh toán điện tử ít rắc rối hơn.

Tỷ lệ thanh toán qua di động cao, nhưng giá trị giao dịch trung bình thấp

Dù sở hữu tỷ lệ thanh toán qua di động cao nhưng giá trị giao dịch trung bình của mỗi người dùng tại Việt Nam còn thấp.

Các nước phát triển như Mỹ, Anh, Na Uy, hay Ý dù có tỷ lệ thanh toán qua di động thấp hơn so với Trung Quốc và Việt Nam, nhưng số tiền trung bình những khách hàng tại các nước này cao hơn rất nhiều.

Trung bình một người Mỹ sẽ chi gần 8000 USD cho việc thanh toán qua di động, còn con số này tại nước Anh là hơn 7000 USD.

Trong khi đó, dù sở hữu tỷ lệ thanh toán cao hơn nhưng Việt Nam hay Ấn Độ lại có mức thanh toán trung bình còn thấp.

Tại Việt Nam, trung bình người tiêu dùng chi trả khoảng 74 USD bằng thanh toán qua di động.

Điều này chứng tỏ việc các giao dịch của người Việt Nam chỉ là thanh toán tiêu dùng thường ngày.

Thanh toán di động Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về tỷ lệ người dùng, song vẫn là cuộc chiến dài hơi cho doanh nghiệp  - Ảnh 2.

Thị phần các ví điện tử tại Việt Nam. Nguồn: Vietnam Investment Review

Ngoài ra, số lượng ví điện tử tại Việt Nam tính đến đầu năm 2021 lên tới 37 hãng với dân số khoảng 98 triệu người.

Trong khi đó, Trung Quốc là đất nước tỷ dân nhưng chỉ có một vài ví điện tử như Alipay và Wechat Pay chiếm lĩnh thị phần lớn.

Theo đó, mảng thanh toán di động của Việt Nam là vô cùng cạnh tranh trong cuộc chiến giành “miếng bánh”  giữa các ví điện tử.

Tuy nhiên, mảng thanh toán điện tử này lại “ngốn” số tiền đầu tư vô cùng lớn dù giá trị thanh toán hiện tại của mỗi người Việt còn thấp.

Chính vì thế mà các ví điện tử dẫn đầu thị trường đều báo lỗ liên tiếp nhiều năm. Đơn cử như Momo đã cán mốc lỗ 854 tỷ vào năm 2019, gấp đôi số tiền lỗ năm 2018 của ví điện tử này.

Đầu năm 2021, ví điện tử Momo đã huy động được nguồn vốn lên tới 100 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư, bao gồm quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ Warburg Pincus.

Mới đây, ví điện tử VNPay cũng đã được "bơm" thêm 250 triệu USD từ General Atlantic, Dragoneer Investment Group, PayPal Ventures và những nhà đầu tư khác để cạnh tranh "dài hơi" với Momo và Moca.