Thành phố Hồ Chí Minh: Ngân sách không đủ cân đối thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2021-2025

14/04/2022 07:56 congluan.vn

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong 8 nhiệm vụ phát triển thành phố là “Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai”.

Thành Phố Hồ Chí Minh đang có kế hoạch về phát triển hạ tầng giao thông.

Và để hiện thực hóa nhiệm vụ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030 và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2025: tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15% (hiện đạt 12,2%), mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5 km/km2 (hiện đạt 2,2 km/km2).

Giai đoạn đến năm 2030: tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 17,8%, Mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 3,1 km/km2.

Cùng với đó là nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết hệ thống hạ tầng cho giai đoạn 2021-2025 là 533.529 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách thành phố 218.239 tỷ đồng và vốn khác (TW, ODA, PPP…) là 315.290 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 437.125 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hồ Chí Minh là 142.557 tỷ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 qua giai đoạn 2021-2025.

"Ngân sách không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các dự án giao thông trọng điểm khác thuộc Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt", ông Lâm nói.

Cầu Tăng Long tại thành phố Thủ Đức bị 'lỡ nhịp' vì thiếu nguồn vốn.

Lãnh đạo Sở Giao Thông Vận Tải thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến nguồn thu dự kiến của ngân sách Thành phố. Trong khi đó, giai đoạn hiện nay thành phố Hồ Chí Minh đang ưu tiên ngân sách để đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố Hồ Chí Minh rất khó khăn.

Do đó việc đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (khu vực tư nhân, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm trong và ngoài nước, các nguồn lực phù hợp khác) theo quy định pháp luật là rất cần thiết và cần được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát, lập danh mục dự án ngành giao thông vận tải dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh các cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030.