Tăng trưởng kinh tế ảm đạm nhưng giá nhà ở tại Việt Nam và Mỹ vẫn lập “đỉnh” mới

30/12/2021 06:18 congluan.vn

Dịch bệnh “nhấn phanh” tăng trưởng

Sáng nay (29/12), bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), cũng công bố tăng trưởng GDP năm 2021 ước đạt 2,58%. Theo bà Hương, nguyên nhân GDP năm 2021 tăng trưởng thấp do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý 3 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, GDP quý 3 năm nay giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng trưởng âm đã được dự báo từ trước nhưng đây là mức giảm sâu hơn so với hầu hết dự tính trước đó. Đáng nói, đây là mức tăng trưởng âm sâu nhất kể từ khi nước ta tính và công bố GDP quý từ năm 2000.

Báo cáo của TCTK quý 4 năm 2021 cũng cho thấy trong năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55.000 doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%. TCTK lưu ý số liệu này có thể chưa phản ánh hết thực tế, bởi giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường.

Với nền kinh tế Mỹ, báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong quý III đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 xuống 3,8% do những nguy cơ và sự thiếu chắc chắn liên quan đến sự xuất hiện của biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Nhưng “nhấn ga” cho giá nhà tại Mỹ, Việt

Đối lập với bức tranh ảm đạm này, giá nhà tại Hà Nội và TP. HCM năm qua vẫn liên tục tăng và xác lập mặt bằng giá mới.

Theo báo cáo thị trường nhà ở TP. HCM của CBRE Việt Nam, giá nhà cả 4 quý năm 2021 đều tăng mạnh. Ngay cả khi bùng phát dịch lần thứ tư vào quý II, giá nhà tại TP. HCM vẫn tiếp tục đi lên. Cụ thể, bình quân giá chào bán căn hộ trên thị trường sơ cấp toàn thành phố vọt lên 2.260 USD/m2 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng nói, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng ghi nhận, loạt dự án hạng A (cao cấp) và hạng sang tại TP. HCM trong quý II thiết lập mặt bằng giá kỷ lục. Điển hình là dự án One Central Saigon tọa lạc ngay lõi trung tâm quận 1 có mức giá bán dự kiến khoảng 650-800 triệu đồng một m2. Đây là mức giá cao nhất lịch sử thị trường bất động sản.

Tại Hà Nội, chỉ trong 1 năm trở lại đây, giá nhà đất thổ cư tại Hà Nội nhiều nơi đã tăng mạnh, thậm chí có nơi tăng tới 30%, thậm chí kể cả những nơi xa trung tâm cũng giá vài chục triệu đồng mỗi m2.

Thị trường Hà Nội từ những tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận những hoạt động tích cực, với giá chào bán sơ cấp trung bình đối với loại hình căn hộ tăng 11% theo năm, trong khi đó loại hình biệt thự và nhà liền kề cũng đồng thời ghi nhận mức tăng khoảng 7%/năm trong giá chào bán thứ cấp.

Tại thị trường Mỹ, chỉ số giá tổng hợp 20 thành phố của S&P CoreLogic Case-Shiller cũng vừa báo cáo mức tăng hàng năm lớn thứ 5 trong lịch sử của giá nhà ở khi tăng 18,4% so với tháng 10 năm ngoái. Thậm chí cùng kỳ năm ngoái hồi tháng 9, mức tăng trưởng còn lên tới 19,1%.

Giá nhà ở tại Mỹ cũng vừa đạt mức tăng hàng năm lớn thứ 5 trong lịch sử.

Ngoài ra, chỉ số giá nhà quốc gia của Case Shiller cũng báo cáo mức tăng giá hàng năm đạt 19,7% trong tháng 9. Giá nhà trung bình của 10 thành phố tăng tới 17,9% so với cùng kì năm ngoái.

Thành phố Phoenix, Tampa và Miami dẫn đầu chỉ số 20 thành phố có mức tăng giá nhà ở cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 10, lần lượt là 32,3%, 28,1% và 25,7%. Ngay cả Minneapolis và Chicago có mức tăng nhỏ nhất cũng là 11,5%.

Giám đốc điều hành S&P DJI Craig Lazzara cho biết trong một tuyên bố: “Trước đây chúng tôi cho rằng thị trường nhà ở Hoa Kỳ tăng giá mạnh một phần bởi sự thay đổi về sở thích khi các hộ gia đình phản ứng với đại dịch Covid-19. Nhưng sẽ cần nhiều dữ liệu hơn để hiểu liệu sự gia tăng nhu cầu trên cả nước này thể hiện sự gia tăng mua hàng sẽ xảy ra trong vài năm tới hay phản ánh một sự thay đổi lâu dài hơn”.

Giá nhà ở tăng mạnh do đâu?

Theo các chuyên gia đầu ngành, thị trường nhà ở tại Mỹ tăng mạnh trong năm nay nhờ lãi suất thế chấp ở mức đáy cao, nguồn cung nhà trên thị trường hạn chế và nhu cầu của người tiêu dùng bị dồn nén vào năm ngoái do đại dịch. Nhiều người Mỹ, cảm thấy mệt mỏi vì phải nhốt mình ở nhà trong đại dịch nên đang tìm cách chuyển từ việc sống trong căn hộ sang nhà riêng mặt đất, biệt thự cao cấp hơn.

Nguyên nhân này cũng có vài điểm tương đồng với việc tăng giá nhà ở tại Việt Nam. Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, dù dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá nhà nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng năm qua. Nguyên nhân là chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung tạm thời còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, thị trường bất động sản 2022 có không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Trong đó, nguồn cung bất động sản mới vẫn còn hạn chế; nhiều dự án vẫn chưa được tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý; mức giá bất động sản đã tăng cao dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động Việt Nam cũng nhận định nguồn cung khan hiếm tiếp tục là thách thức lớn của thị trường bất động sản. Ông dự báo năm 2022, thị trường sẽ không ghi nhận nhiều cải thiện về mặt nguồn cung so với năm 2021. Sự khan hiếm này có thể tiếp tục đẩy giá bất động sản lên cao, làm mất cân bằng cán cân cung cầu trên thị trường nhà ở.

Ngoài ra, các chuyên gia đầu ngành cũng lo ngại rằng các đợt đấu giá đất Thủ Thiêm ngày 10/12 vừa qua xác lập kỷ lục 2,45 tỷ đồng một m2 đất trên bán đảo đắc địa nhất Sài Gòn này càng dấy lên nỗi lo giá nhà leo thang do hiệu ứng "té nước theo mưa". Các động thái tăng giá nhà theo hiệu ứng này có thể đẩy thị trường vào thế bất định, đồng thời phát triển kém bền vững trong những năm tới.