Sai phạm tại Công ty Gang thép Thái Nguyên: Điểm then chốt của ‘đại án’

19/04/2021 12:51 daidoanket.vn

 

Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng và đề nghị mức án. Ảnh:  Phạm Kiên.  
Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng và đề nghị mức án. Ảnh:  Phạm Kiên.  

Quan điểm của Viện Kiểm sát

Bản luận tội của Viện Kiểm sát nêu rõ: Trong vụ án này, các bị cáo là những người có chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ quan trọng, đã trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu để được tin tưởng giao các trọng trách quan trọng, thực hiện việc đầu tư, quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước; nhiều bị cáo có chức vụ, trình độ cao, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.

Nhưng quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng EPC số 01#, các bị cáo đã không lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu đề xuất các biện pháp để thực hiện Hợp đồng đúng quy định, dẫn đến Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên không kiểm soát được chi phí đầu tư vào dự án, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước với giá trị đặc biệt lớn, làm lãng phí nguồn vốn đầu tư đáng nhẽ ra nếu được thực hiện đúng thì sẽ mang lại hiệu quả cao.

Sai phạm của các bị cáo còn dẫn đến phát sinh nhiều chi phí, thiết bị bị hư hỏng, đồng thời nhiều tài sản, đất đai, khoáng sản có liên quan không được phát huy, đưa vào sử dụng đúng mục đích để đạt hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ngoài những hậu quả trực tiếp, hành vi phạm tội của các bị cáo còn tác động gián tiếp đến tiến trình thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh, xã hội, đồng thời gây mất niềm tin trong xã hội.

Hậu quả của hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra khiến dự án hiện vẫn trong tình trạng không tiếp tục thực hiện được, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành và chính Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã tìm các giải pháp để tháo gỡ nhưng chưa có biện pháp nào để tiếp tục triển khai hoàn thành Dự án.

Mức án đối với các bị cáo được Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị như sau:

Nhóm 14 bị cáo bị xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (theo quy định tại Điều 360, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015) bị đề nghị các mức án gồm:

-Trần Trọng Mừng (72 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) từ 10-11 năm tù;

-Trần Văn Khâm (60 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) 9-10 năm tù;

-Ngô Sỹ Hán (71 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản suất giai đoạn 2 Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) 8-9 năm tù;

-Đặng Văn Tập (69 tuổi, nguyên Phó Giám đốc thường trực Ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) 7-8 năm tù;

-Mai Văn Tinh (69 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam) và Đồng Quang Dương (61 tuổi, nguyên Phó Giám đốc kiêm Thư ký Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) cùng bị đề nghị từ 6-7 năm tù;

-Đỗ Xuân Hòa (67 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) 5-6 năm tù;

-Đậu Văn Hùng (70 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam); Đặng Thúc Kháng (sinh năm 1959, nguyên Ủy viên Hội đồng Quản trị, Trưởng Ban kiểm soát Tổng Công ty Thép Việt Nam); Nguyễn Trọng Khôi (64 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam); Lê Thị Tuyết Lan (58 tuổi, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế toán Thống kê Tài chính Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên); Uông Sỹ Bính (63 tuổi, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế toán Thống kê Tài chính Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cùng bị đề nghị từ 3-4 năm tù;

-Trịnh Khôi Nguyên (58 tuổi, nguyên Trưởng Phòng Đầu tư phát triển Tổng Công ty Thép Việt Nam); Nguyễn Văn Tráng (63 tuổi, nguyên Ủy viên Ban kiểm soát Tổng Công ty Thép Việt Nam) cùng bị đề nghị từ 2-3 năm tù.

Cùng đó, 2 bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam là Lê Phú Hưng (59 tuổi) và Nguyễn Minh Xuân (63 tuổi) cùng bị đề nghị từ 12-18 tháng tù. 3 bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên: Nguyễn Chí Dũng (66 tuổi); Hoàng Ngọc Diệp (55 tuổi); Đoàn Thu Trang (36 tuổi) đều bị đề nghị từ 2-3 năm tù về cùng tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Trần Trọng Mừng bị dẫn giải tới Tòa.  
Bị cáo Trần Trọng Mừng bị dẫn giải tới Tòa.  

Vai trò của bị cáo Trần Trọng Mừng

Trong vụ án, bị cáo Trần Trọng Mừng là chủ mưu, cầm đầu cùng các bị can khác gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước số tiền 830,253 tỷ đồng; phạm vào tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Với vai trò Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, bị cáo Trần Trọng Mừng là người đại diện theo pháp luật của công ty, trực tiếp chỉ đạo điều hành hoạt động hàng ngày của công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản trị, trước pháp luật về việc thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao.

Bị cáo cũng là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên, chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án.

Theo hợp đồng, Tập đoàn luyện kim Trung Quốc phải hoàn thành dự án sau 30 tháng nhưng sau 11 tháng khởi công vẫn chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu.

Tập đoàn luyện kim Trung Quốc rút hết người về nước, nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và điều chỉnh tổng giá hợp đồng tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỉ đồng).

Tuy biết rõ việc Tập đoàn luyện kim Trung Quốc vi phạm hợp đồng, đề nghị các điều khoản vô căn cứ, năm 2012, ông Trần Văn Khâm, người đại diện vốn chính của Tổng Công ty Thép Việt Nam tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, ký văn bản gửi Tổng Công ty Thép Việt Nam xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỉ đồng, tăng hơn 4.200 tỉ đồng.

Đặc biệt quan trọng, bị cáo Trần Trọng Mừng là người có thẩm quyền quyết định dừng Hợp đồng EPC số 01, đề xuất điều chỉnh chi phí (dự toán) phần xây dựng (phần C), điều chỉnh hợp đồng EPC số 01, lựa chọn thầu phụ, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên tham gia ký hợp đồng, trực tiếp quản lý chi phí phần C của hợp đồng EPC số 01.

Nhưng Trần Trọng Mừng không quyết định dừng hợp đồng này để báo cáo cấp có thẩm quyền hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng mà còn trực tiếp chỉ đạo tổ chức đàm phán với Tập đoàn luyện kim Trung Quốc để tách phần C ra khỏi hợp đồng EPC 01, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên tổ chức thực hiện và chịu mọi rủi ro.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên không kiểm soát được chi phí đầu tư vào dự án, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Bị cáo Trần Trọng Mừng bị đề nghị từ 10-11 năm tù.

Vì sao không dừng hợp đồng?

Đó là: Vì sao lại không dừng hợp đồng khi các đối tác vi phạm, mà lại chia nhỏ gói thầu, đề nghị tăng thêm vốn?

Trả lời tại tòa, bị cáo Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam) cho biết, khi nhà thầu Tập đoàn luyện kim Trung Quốc vi phạm hợp đồng, bị cáo đã không chỉ đạo dừng hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng.

Bởi thời điểm đó, không ai có ý kiến đề xuất dừng hợp đồng. Mặt khác, cấp dưới lại có đề xuất tìm cơ chế đặc thù để giải quyết dự án theo hướng tốt nhất, nhanh nhất.

Về việc giới thiệu Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) để thực hiện phần C trong hợp đồng EPC số 01#, bị cáo Mai Văn Tinh khai vừa làm theo sự giới thiệu của cấp trên, vừa căn cứ vào văn bản của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên trình lên.

Bị cáo Tinh cũng cho rằng thẩm quyền chọn nhà thầu phụ thuộc về nhà thầu chính Tập đoàn luyện kim Trung Quốc chứ không phải của Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Bị cáo Mai Văn Tinh cũng khẳng định, mọi việc liên quan đến dự án này, Tổng Công ty Thép Việt Nam không được tự quyết mà phải xin phép Bộ chủ quản là Bộ Công thương.

Còn trách nhiệm trực tiếp quản lý dự án thuộc về Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Tuy nhiên, cũng về vấn đề dừng hợp đồng khi nhà thầu Tập đoàn luyện kim Trung Quốc có vi phạm, bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) lại cho biết: Bị cáo đã ký tờ trình Hội đồng Quản trị, sau đó có gửi văn bản kiến nghị Bộ Công thương và Tổng Công ty Thép Việt Nam xin xem xét chỉ đạo dừng dự án, thu hồi tiền tạm ứng và yêu cầu nhà thầu Tập đoàn luyện kim Trung Quốc bồi thường.

Tuy nhiên, đã không nhận được bất kỳ văn bản phúc đáp nào từ Bộ Công thương cũng như Tổng Công ty Thép Việt Nam (hai cơ quan cấp trên).

Sai phạm của đơn vị trực tiếp (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) đến đâu, sai phạm của “công ty mẹ” là Tổng Công ty Thép Việt Nam đến đâu và trách nhiệm của Bộ Công thương (Bộ chủ quản) đến đâu trong vụ án này?

Dư luận đang chờ câu trả lời của Hội đồng xét xử.

Năm 2005, Chính phủ chủ trương đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái  Nguyên, với tổng vốn hơn 3.800 tỉ đồng.

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là Hội đồng Quản trị của Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Căn cứ kết quả đấu thầu, ngày 12/7/2007, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên Trần Trọng Mừng cùng Tổng Giám đốc Tập đoàn luyện kim Trung Quốc ký một hợp đồng có giá trị hơn 160 triệu USD (hơn 3.500 tỉ đồng).

Đây là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức Tổng thầu EPC.

Tiếp sau bị cáo Trần Trọng Mừng, bị cáo Trần Văn Khâm có vai trò tổ chức thực hiện hành vi phạm tội.

Với quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, kế nhiệm Trần Trọng Mừng chỉ đạo thực hiện Dự án; bị cáo Khâm biết rõ Hợp đồng EPC số 01# là hợp đồng trọn gói, không có căn cứ điều chỉnh giá nhưng vẫn chỉ đạo tham mưu, đề xuất và ký quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, trong đó có dự phòng cho phần C của Hợp đồng tăng thêm 15,57 triệu USD; ký Phụ lục điều chỉnh lần thứ tư với Tập đoàn luyện kim Trung Quốc thống nhất tách phần C ra khỏi Hợp đồng; ký Hợp đồng thầu phụ 3 bên, chấp thuận giao cho Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam không đủ năng lực và các nhà thầu phụ khác thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên tổ chức thực hiện và chịu mọi rủi ro không có cơ sở pháp lý, không đúng quy định của Hợp đồng.

Bị cáo Trần Văn Khâm bị đề nghị  từ  9-10 năm tù.