Quảng Nam: Gần 91 tỷ đồng tu bổ các di tích xếp hạng trên địa bàn tỉnh

14/05/2022 15:59 daidoanket.vn

Sáng 13/5, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có quyết định về triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2022/NQ - HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh này, giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, tổng nguồn kinh phí triển khai thực hiện là 90,94 tỷ đồng, trong đó phân bổ hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt là 19,8 tỷ đồng, các di tích quốc gia là 43,3 tỷ đồng, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, các di tích cấp tỉnh là 27,8 tỷ đồng, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.

Một góc Khu di tích Mỹ Sơn - Di sản văn hóa thế giới.
Một góc Khu di tích Mỹ Sơn - Di sản văn hóa thế giới.

Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025 theo các phân kỳ đầu tư, cụ thể, năm 2023 đầu tư 31,14 tỷ đồng, năm 2024 đầu tư 28,8 tỷ đồng và năm 2025 đầu tư 31 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết này, danh mục các di tích được hỗ trợ đầu tư, tu bổ gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt là Phật viện Đồng Dương, thuộc xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình; Đèo Bù Lạch, di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, xã A Nông, huyện Tây Giang.

8 di tích quốc gia gồm: Địa đạo Kỳ Anh, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ; Tháp Chăm Bằng An, xã Điện An, thị xã Điện Bàn; Khu di tích căn cứ Phước Trà, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức; Tháp Chăm Chiên Đàn, xã Tam An, huyện Phú Ninh; Làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước;…

Xây dựng nhà bia tại 3 di tích gồm: Địa điểm Khởi phát phong trào chống thuế ở Quảng Nam và các tỉnh Trung Kỳ năm 1908, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc; Di chỉ Bãi Ông, xã Tân Hiệp, TP Hội An; Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Bên cạnh đó còn đầu tư tu bổ 28 di tích cấp tỉnh; Dựng bia tại 39 di tích cấp tỉnh.

Sau dịch Covid-19 du khách trở lại Hội An đông đảo.
Sau dịch Covid-19 du khách trở lại Hội An đông đảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết, đã yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh căn cứ định mức kinh phí và danh mục di tích cần được tu bổ theo Nghị quyết, hằng năm Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với Sở KHĐT các địa phương đánh giá cụ thể tình hình, mức độ xuống cấp của di tích, xây dựng kế hoạch tu bổ di tích, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Sở VHTTDL tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố về quy trình, thủ tục lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư tu bổ di tích theo quy định.