Phần lớn doanh nghiệp không biết về ưu đãi thuế quan CPTPP

07/04/2021 16:31 congluan.vn
Toàn cảnh Hội thảo Hai năm thực thi Hiệp định CTCPP tại Việt Nam: Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo Hai năm thực thi Hiệp định CTCPP tại Việt Nam: Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, trong so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) còn khiêm tốn.

Thực tế khảo sát cho thấy, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã hái được “trái ngọt” từ Hiệp định này.

Theo ông Lộc, với 3⁄4 các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong 2 năm vừa qua.

Trong số các doanh nghiệp đã từng có giao dịch với các thị trường này nhưng chưa hưởng lợi CPTPP, lý do được phần lớn (75%) doanh nghiệp đề cập là họ không biết có cơ hội nào từ CPTPP.

Cũng có một tỷ lệ đáng kể (60%) không thấy có cam kết CPTPP liên quan hoặc do đã hưởng ưu đãi khác phù hợp hơn.

Một số ít doanh nghiệp (14-16%) nêu các lý do khác như các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thủ tục hưởng ưu đãi phức tạp, quy trình cấp phép khó khăn, hay khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu của doanh nghiệp còn hạn chế...

“Đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế", ông Lộc nhấn mạnh. 

Lý giải về thực trạng này, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, xét về nguyên nhân khách quan thì các ưu đãi thuế quan CPTPP giai đoạn đầu còn thấp so với ưu đãi của các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã có với cùng các đối tác.

"Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ của CPTPP tương đối phức tạp và khác biệt so với các Hiệp định Thương mại tự do, đòi hỏi thời gian để tìm hiểu và điều chỉnh sản xuất.

Nhưng nếu nhìn ở góc chủ quan cũng “không thể bỏ qua những hạn chế đáng kể từ góc độ chủ quan trong nhận thức hay năng lực tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp”, bà Trang nói.

Bởi theo bà Trang, điểm tích cực là ở các thị trường chưa từng có Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam trước CPTPP như Canada hay Mexico, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan ngay trong năm đầu đã đạt mức 7,26-8%, không thấp hơn so với tỷ lệ tận dụng nhiều Hiệp định Thương mại tự do khác trong năm đầu thực thi.

Biểu đồ khảo sát doanh nghiệp biết gì về CTCPP do WTO (VCCI) thực hiện.

Biểu đồ khảo sát doanh nghiệp biết gì về CTCPP do WTO (VCCI) thực hiện.

Theo vị này điều “đáng tiếc” là “cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Nhưng với các doanh nghiệp FDI và dân doanh có cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP (với 51-52% doanh nghiệp của các nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực và lần lượt 6,8% và 2,2% đánh giá CPTPP có tác động tiêu cực).

Trong khi đó, khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này (với 64% doanh nghiệp nhóm này cho rằng CPTPP không tác động gì – với các Hiệp định Thương mại tự do khác cũng như vậy).

Dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các Hiệp định Thương mại tự do chưa chạm tới khu vực doanh nghiệp này, bà Trang nhấn mạnh.

Lý do khiến doanh nghiệp không tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP tập trung ở 02 nhóm chính.

Một là các lý do “tích cực”, như thuế Tối huệ Quốc MFN đã là 0% nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan (43% doanh nghiệp đề cập), hay đã sử dụng ưu đãi thuế theo các Hiệp định Thương mại tự do khác (37%)...

Hai là các nguyên nhân “tiêu cực”, như không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ (40%), gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ (20%), thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết (15%)....

Đáng chú ý, lý do lớn nhất mà cũng gây tiếc nuối nhiều nhất, là việc doanh nghiệp không biết về ưu đãi thuế CPTPP cho lô hàng của mình, vị này thông tin.  

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), dường như sự chủ động tìm hiểu thông tin của các doanh nghiệp nhóm này đang là vấn đề lớn nhất cản trở họ hưởng lợi từ ưu đãi này của Hiệp định.

Khảo sát của WTO cho thấy với 80% doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, lý do khiến họ chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP nằm ở việc “nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp... không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ”.

Rõ ràng sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất kinh doanh có lẽ là bài toán cần lời giải để nhóm này có thể chớp các cơ hội từ CPTPP nói riêng và các Hiệp định Thương mại tự do nói chung.

Trong khi đó, việc không hưởng ưu đãi thuế CPTPP của doanh nghiệp FDI lại là sự lựa chọn có chủ ý rõ ràng, khi họ từ bỏ ưu đãi thuế CPTPP chủ yếu do thuế MFN hoặc thuế theo các Hiệp định Thương mại tự do tốt hơn CPTPP.

Hơn phần nửa thời gian có hiệu lực của CPTPP - hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị xáo trộn theo cách chưa từng có bởi đại dịch Covid-19.

Dự báo doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản sống chung với Covid-19 theo cách thức đặc biệt - kinh doanh trong bối cảnh “bình thường mới”.

Trước tương lai này, mặc dù đã phải chịu nhiều thiệt hại trong thời gian qua, đa phần các doanh nghiệp tỏ thái độ khá bình tĩnh, với 60,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoạt động bình thường.

Thậm chí 13,3% doanh nghiệp vẫn hoạt động kinh doanh rất tốt trong đại dịch, và vì vậy thậm chí không có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Tuy nhiên cũng có khoảng 17,2% doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, và gần 1% tính tới việc ngừng kinh doanh tạm thời hoặc vĩnh viễn trong thời gian tới.

Về tác dụng của CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do trong tương lai hậu Covid-19 này, các doanh nghiệp tỏ ra lạc quan một cách bất ngờ. 60% cho rằng CPTPP và các Hiệp định Thương mại tự do sẽ tương đối hoặc rất hữu ích cho họ trong giai đoạn “bình thường mới”, lớn hơn mức 47% doanh nghiệp đánh giá CPTPP và các Hiệp định Thương mại tự do có tác động tích cực trong thời gian đã qua.

Có khoảng 10% doanh nghiệp cho rằng CPTPP và các Hiệp định Thương mại tự do hầu như sẽ không có ý nghĩa gì trong việc này, 29% doanh nghiệp không chắn chắn về chuyện CPTPP hay các Hiệp định Thương mại tự do

có thể có tác động gì, tiêu cực hay tích cực, giám đốc WTO thông tin. 

Từ khảo sát này có thể thấy Hiệp định CTCPP đã có những tác động tích cực bước đầu, mang tới những lợi ích thực tế cho một số doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, những gì đã đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, mà nguyên nhân không chỉ từ các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch COVID-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan của chính Nhà nước và các doanh nghiệp.

Trên cơ sở các phát hiện này, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể rút kinh nghiệm để “dọn mình” tốt hơn, sẵn sàng thực thi hiệu quả hơn trong thời gian tới, bà Trang kiến nghị.

Do năm 2020 kinh tế Việt Nam và thế giới bị xáo trộn nghiêm trọng theo cách chưa từng có tiền lệ dưới tác động của đại dịch Covid-19, các kết quả thực thi CPTPP từ khi có hiệu lực đến nay hầu như chỉ có thể được phản ánh tương đối xác thực thông qua các dữ liệu thống kê của năm 2019.

Vì vậy, các đánh giá về kết quả hoạt động thương mại, đầu tư trong giai đoạn đầu trong Báo cáo này được thực hiện trên các số liệu của 2019 là chủ yếu. 

Khánh Linh