Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Vấn đề phân cấp, phân quyền; rút ngắn thời gian thực hiện dự án đã được các ĐBQH quan tâm.
Rút ngắn thời gian thực hiện dự án
ĐBQH Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo Luật đã nghiên cứu, tháo gỡ được những vấn đề lâu nay đang vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư công từ các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành hoặc do việc quy định tạo ra cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau trong tổ chức triển khai thực hiện luật để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các dự án Luật Đầu tư công.
Theo ông Cường, việc bổ sung một số quy định mới như việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, sử dụng các nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công cho công tác chuẩn bị đầu tư, phân cấp điều chỉnh quy hoạch đầu tư công, phân cấp quyết định chủ trương đầu tư các nhóm dự án sẽ góp phần rút ngắn thời gian trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề quy trình, thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án.
Theo ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang), cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế kiểm soát khi đẩy mạnh thực hiện phân cấp đầu tư công. Quy định chặt chẽ, tránh tình trạng quyết định đầu tư các dự án thiếu hiệu quả, thời gian thực hiện kéo dài gây thất thoát, lãng phí. Bảo đảm nguyên tắc phân công phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công. Nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, quy định phân cấp, phân quyền phải phù hợp với vai trò, chức
năng, nhiệm vụ và khả năng điều kiện tổ chức thực hiện của các địa phương, đơn vị để không phát sinh sai sót, bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, theo ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình), dự thảo Luật Đầu tư công cũng đề xuất nâng tiêu chí vốn của dự án đầu tư công. Tuy nhiên, bà Nga đề nghị, cần có sự đánh giá cụ thể, đưa ra các cơ sở cho việc tăng mức vốn đầu tư của dự án để đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Đồng thời cần đánh giá tác động chính sách trên hệ thống các dự án đang triển khai cũng như bối cảnh phát triển của từng địa phương để xác định tiêu chí cho phù hợp.
ĐB Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) nhắc đến tại khoản 2 Điều 57 dự thảo luật quy định về điều kiện bố trí vốn hàng năm. Song để rút ngắn thời gian, thủ tục thực hiện, ông Thắng đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung thêm điều kiện để dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm vào khoản 2 Điều 57. Theo đó, sửa đổi theo hướng “chương trình, dự án đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư hoặc các thủ tục theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Dẫn chứng trong năm 2023, nhiều địa phương đã không thể giải ngân kế hoạch vốn do chưa hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư, dẫn đến tình trạng thừa vốn nhưng không thể sử dụng, gây lãng phí nguồn lực, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị, cần bổ sung quy định về tiêu chí ưu tiên phân bổ nguồn vốn, đồng thời đưa ra cơ chế theo dõi và kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn để tránh tình trạng mất cân đối ngân sách và nợ công tăng cao.
Cân nhắc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND sang UBND
Đề nghị dự thảo Luật cần được rà soát, đánh giá một cách chặt chẽ, thận trọng, có đối chiếu với các quy định trong các luật khác có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tránh việc tạo ra thêm những mâu thuẫn, vướng mắc khác làm ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành pháp luật, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội), đề cập đến nhóm chính sách liên quan đến tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Theo đó, cùng với việc giao quyền cho các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là chính quyền địa phương để thực hiện đúng chủ trương cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tăng tính công khai, minh bạch trong quyết định các nội dung về đầu tư cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao thẩm quyền quyết định.
Liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương từ HĐND sang cho UBND các cấp, bà Thuỷ cho rằng, việc quyết định chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư nên giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để bảo đảm yêu cầu về giám sát và kiểm soát quyền lực.
Bà Thuỷ phân tích: Trước chúng ta đang giao cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương. Bởi HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là cơ quan quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, là cơ quan thay mặt người dân quyết định việc sử dụng ngân sách của địa phương và thực hiện quyền giám sát nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư sau đó Chủ tịch UBND quyết định và tổ chức triển khai dự án đầu tư là một quy trình rất hợp lý.
Mặt khác, theo đánh giá của bà Thủy, khi đưa nội dung này ra xem xét, thảo luận, quyết định tại HĐND thì việc chuẩn bị hồ sơ dự án sẽ phải cẩn trọng hơn. Việc công khai, minh bạch về quy trình cũng như nội dung dự án đầu tư cũng được bảo đảm tốt hơn. Đây là điều kiện quan trọng để các cơ quan và người dân có thể giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. “Do đó, tôi đề nghị không nên sửa nội dung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương” - bà Thuỷ cho hay.
Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị giữ như quy định hiện hành. Nếu có phân cấp chỉ thực hiện dự án nhóm C đối với cấp tỉnh, cấp huyện như quy định hiện hành là vẫn giao cho HDND cấp huyện quyết định. “Ví dụ dự án nhóm B có vốn đầu tư là 240 tỷ đồng đến dưới 4.600 tỷ đồng, nhóm C dưới 240 tỷ đồng. Vốn đầu tư cần có sự giám sát và quyết định của HĐND để đảm bảo khách quan và kiểm soát quyền lực” - ông Hòa nói.
“Cần cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cùng cấp”- ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu quan điểm. Hiện nay HĐND các cấp họp khá thường xuyên nên chúng ta không lo việc khi thông qua HĐND phải chờ đợi. Thực tế khi thông qua HĐND, việc chuẩn bị các dự án phải kỹ hơn và việc chuẩn bị kỹ hơn này rất cần thiết. Khi thông qua HĐND phê duyệt, chúng ta đã thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực. “HĐND phê duyệt thì bản thân HĐND cũng có thể sẽ đưa ra những các giải pháp mang tính đặc thù để giải quyết những vấn đề vướng mắc riêng có ở địa phương. Như vậy giúp cho dự án có thể thuận lợi hơn khi thông qua HĐND” - ông Cường nói.
“
Giải trình tại phiên họp, liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn câu chuyện một tỉnh của Trung Quốc 3 năm làm được 2.000km đường cao tốc, làm được diện tích đường cao tốc lớn nhất thế giới, đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Người ta có 49.000km đường sắt cao tốc, có 200.000km đường sắt tốc độ cao, còn chúng ta chưa có km nào. “Nếu chúng ta làm theo quy định như thế sẽ rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu, phải phân cấp mạnh hơn. Đấy là tinh thần chung của Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ hiện nay cũng đang là như thế. Như vậy Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế môi trường và làm rõ các trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm xin - cho, giảm quyền anh, quyền tôi, giảm đùn đẩy, né tránh” - ông Dũng cho hay.
Ngày làm việc thứ 14, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Ngày 6/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 14, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công, đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật. Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; căn cứ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; nguyên tắc quản lý đầu tư công... Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm.
Buổi chiều: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật thuộc dự án Luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Đấu thầu... Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
bình luận (0)