Nhiều khách hàng gặp khó khi muốn mua vàng tại các “kênh chính thống” trong thời gian gần đây. Do nhu cầu, một số người chọn mua vàng ở “chợ online”. Có ý kiến cho rằng, việc thiếu sàn giao dịch vàng, trong khi nhu cầu của người dân có, dẫn tới những hoạt động lừa đảo xuất hiện...
Khó mua vàng chính thống, dân tìm đến chợ online
Nhiều khách hàng phản ánh về những khó khăn khi muốn mua vàng. Chị Nguyễn Thu Hương (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, muốn mua một ít vàng để làm quà cưới cho người thân nhưng đi đến cửa hàng vàng nào cũng có câu trả lời “hết vàng” (bao gồm cả vàng nhẫn và vàng miếng SJC). “Ngay cả khi khách đề nghị đặt hàng, thanh toán trước để nhận vàng sau thì cửa hàng cũng không dám nhận, vì chưa biết khi nào mới có vàng trở lại” – chị Hương nói.
Trên kênh online, nhiều người cho biết thủ tục mua vàng miếng tại 5 đơn vị do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) uỷ thác (Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước) khó khăn hơn trước đây. Số lượng mua cũng hạn chế chỉ 1-2 lượng và áp dụng với khách đã đăng ký thành công trực tuyến. Lượt đặt mua của 4 ngân hàng thường hết từ rất sớm.
Tại các thương hiệu được phép kinh doanh vàng miếng như PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu... đã ngừng bán loại hình này ra thị trường nhiều tháng nay từ sau khi NHNN can thiệp ấn định giá vì không có nguồn. Còn với công ty SJC, vào đầu ngày cũng có bán vàng miếng lẻ cho khách chưa đăng ký trước, nhưng số lượng tối đa thường dưới 1 lượng và nhiều người cho biết cũng không dễ mua được.
Chị Nguyễn Thuỳ Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) nói, chị phải nhờ bạn có ứng dụng ngân hàng Vietcombank để vào đăng ký mua vàng nhưng không lần nào thành công.
“Mua vàng giờ rất khó, hơn 3 tháng nay tôi không thể mua nổi số lượng vàng mình cần để giải quyết việc gia đình” – chị Linh nói.
Cần phải thừa nhận, từ khi NHNN triển khai phương án mới bình ổn thị trường vàng, khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới thu hẹp rõ rệt. Giá vàng nhẫn 99,99 dần về sát với giá vàng miếng SJC. Có thời điểm, giá mua vào vàng nhẫn của các công ty cao hơn vàng miếng SJC cả triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, người dân lại vẫn nói với nhau rằng: “Muốn mua được vàng thì lên ti vi”.
Dường như, nắm bắt được nhu cầu về vàng của người dân, thời gian qua hàng loạt nhóm mua – bán vàng online nở rộ. Trên mạng xã hội, dễ dàng tìm thấy những hội nhóm như: “Mua bán, giao dịch vàng miếng SJC”; “Trao đổi giao lưu vàng 999”; Trên các ứng dụng Zalo, messenger cũng xuất hiện nhiều nhóm chat giao dịch vàng… Đáng chú ý, không chỉ mua bán vàng miếng SJC, nhiều thành viên còn nhận đặt mua online từ 4 ngân hàng quốc doanh. Theo đó, với khách có nhu cầu gửi thông tin, các đối tượng nhập đăng ký, khi nào mua xong và nhận vàng chuyển khoản cho các đối tượng đặt mua hộ 150.000 đồng/lượng.
Chị Minh Lý (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hồi cuối năm 2023, do nhu cầu mua nhà nên chị vay người thân 10 lượng vàng. Thời điểm đó, giá vàng SJC đang ở mức khoảng 74 triệu đồng/lượng.
Thời gian gần đây, do giá vàng tăng không có dấu hiệu dừng lại, qua đọc các thông tin dự báo vàng có thể tiếp tục tăng, vợ chồng chị Lý “nóng ruột” phải nhờ bố mẹ thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng để mua vàng trả nợ.
Tuy nhiên suốt từ đầu tháng 10, chị Lý không thể đăng ký mua vàng trên app ngân hàng. Tới các cửa hàng vàng lớn như SJC, Bảo Tín Minh Châu hay DOJI, chị cũng không thể mua được do các cửa hàng báo hết vàng.
Cuối cùng, theo người quen mách, chị tham gia vào nhóm trao đổi giao lưu vàng trên mạng và đã gom được số lượng vàng cần thiết, nhưng giá đã leo lên tới 91 triệu đồng/ lượng, dù giá niêm yết bán ra tại các ngân hàng và doanh nghiệp thời điểm đó chỉ 89 triệuđồng/lượng.
Theo chia sẻ của nhiều khách có nhu cầu giao dịch vàng, thông qua một hội nhóm mua bán vàng trên facebook, người muốn bán vàng cũng có thể giao dịch và sẽ bán được với giá dao động từ 88,5 – 89 triệu đồng/lượng.
Trước thực tế này, giới chuyên gia khuyến cáo, khi giao dịch trên thị trường “chợ đen”, đặc biệt là vàng nhẫn, người mua cần lưu ý về chất lượng vàng và tính thanh khoản. Một số trường hợp, vàng mua tại cửa hàng nào thì chỉ nên bán ở cửa hàng đó, nếu bán khác thương hiệu giá vàng thu mua sẽ không cao, thấp hơn nhiều so với giá mua ở cửa hàng ban đầu.
Chuyên gia cũng lưu ý việc mua vàng tại “chợ đen” sẽ khó tránh khỏi tình trạng vàng bị hao hụt, vàng giả, pha trộn, không đảm bảo tỷ lệ chất lượng. Người dân thực sự có nhu cầu mua vàng thì nên cân nhắc kỹ khi giao dịch tại thị trường này.
Sớm lập sàn giao dịch vàng
Giá vàng ngày 29/10/2024 trên thị trường quốc tế đảo chiều tăng nhanh. Giá vàng nhẫn cũng được điều chỉnh tăng trở lại, lên 89 triệu đồng/lượng (bán ra), đắt ngang vàng miếng SJC. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 87-88,5 triệu đồng/lượng (mua - bán). Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji tăng giá vàng nhẫn 9999 lên mức 87,9-88,9 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Theo các chuyên gia, thanh khoản thị trường vàng đóng băng từ khi NHNN triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn và triển khai bán vàng miếng qua nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC. Dù các giải pháp đã mang lại một số hiệu quả tích cực, song thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, chưa thông suốt, cung không đủ cầu.
Đặc biệt, điều khiến dư luận quan tâm là tình trạng khan hiếm vàng hiện nay. Người dân có nhu cầu mua vàng trở nên khó khăn hơn, thậm chí loay hoay không biết mua vàng ở đâu.
Theo đánh giá của ĐBQH Trần Hoàng Ngân, thị trường vàng có những điểm nghẽn cần giải quyết càng sớm càng tốt. Ông Ngân đặt vấn đề là phải làm sao để cho thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới. Do đó phải xem xét, rà soát sớm Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời cũng phải xem xét đến việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh hay là trung tâm tài chính quốc tế tại TP Đà Nẵng, cần phải quan tâm đến những những sàn về hàng hóa; trong đó xem xét đến thành lập sàn vàng, nhằm kết nối với thị trường vàng quốc tế.
Có như vậy mới giảm chênh lệch về giá giữa vàng trong nước và quốc tế, bởi lúc này, giá vàng được niêm yết theo giá USD, tạo ra sự liên thông. Các nhà đầu tư sẽ tham gia trên sàn giao dịch vàng này. Thành lập sàn giao dịch vàng còn giúp cho việc quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả, theo đúng xu hướng của thế giới.
Vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt, có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị, chứ không chỉ đơn thuần sản xuất ra đồ trang sức. Người dân Việt Nam có tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai, tâm lý tích trữ rất cao, chính vì vậy, người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng.
Còn chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đến lúc cơ quan quản lý cần cân nhắc lại chương trình ổn định thị trường vàng. Bởi, mục tiêu giá vàng trong nước thu hẹp với vàng thế giới hiện đã đạt được. Trong lúc giá vàng miếng SJC đang tăng mạnh theo thế giới và nguồn cung hạn chế sẽ kích thích nhu cầu mua, nắm giữ vàng của người dân nhiều hơn. Trong khi đây là nhu cầu hợp lý và hợp pháp của người dân.
Theo các chuyên gia kinh tế, tại nhiều quốc gia, vàng, bạc hay các kim loại quý được mang ra bán như bình thường, thậm chí họ còn bày bán cả miếng vàng rất to lên tới 1 kg tại cửa hàng. Trong khi một quốc gia với hơn 100 triệu dân, tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh như Việt Nam lại giảm bớt đầu mối nhập khẩu, dẫn đến khan hiếm vàng, trong khi vàng bản chất là ngoại hối, cũng là nhu cầu của người dân.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nêu quan điểm, việc thiếu sàn giao dịch vàng, trong khi nhu cầu của người dân có, dẫn tới những hoạt động lừa đảo từ đối tác nước ngoài hay thậm chí cả ở Việt Nam cũng lôi kéo nhau kinh doanh trên sàn vàng trạng thái. “Nếu không sớm có cơ chế quản lý, sẽ có thêm nhiều người dân bị mất tiền vào các ứng dụng hoặc những sàn trạng thái đó. Điều này gây nguy hiểm cho nền kinh tế và làm tăng tình trạng tội phạm lừa đảo” - ông Hà nói.
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN thực hiện can thiệp thị trường vàng nhưng các giải pháp này chỉ là tạm thời. Thời gian tới, NHNN tiếp tục nghiên cứu để trình Chính phủ giải pháp căn cơ hơn.
“
Theo các chuyên gia, một số nước như Trung Quốc, Thái Lan đều triển khai quản lý thị trường vàng gắn với thị trường tài chính (hàng hóa phái sinh). Qua đó giúp người dân không phải “ôm” quá nhiều vàng vật chất và nhà nước cũng có thể huy động được vàng trong dân. Việt Nam đã có sàn hàng hóa là sàn cà phê, sàn cá tra do Bộ Công thương quản lý. Bản chất vẫn là các sàn tài chính, bởi đó là hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn. Cần có nghị định khung về vấn đề này và cho phép thí điểm 3 - 5 năm, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá, tránh để tình trạng thí điểm chưa xong đã cho bùng nổ để rồi quay lại thắt chặt. Nhiều ý kiến cho rằng, nên cho phép các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… triển khai nghiệp vụ này. Người dân có thể tham gia đầu tư qua quỹ để giảm bớt rủi ro.
bình luận (0)