Nhu cầu vốn cho sản xuất rất lớn

18/08/2022 06:00 daidoanket.vn

DN thiếu vốn lưu động

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh một số khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo đó nguyện vọng chung của doanh nghiệp vẫn rất cần có sự trợ lực về tài chính để có thể duy trì hoạt động và phục hồi.

Phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội cho thấy, hầu hết doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn hết sức lớn về tài chính bởi nhiều lý do.

Điển hình là doanh nghiệp thiếu vốn lưu động, do hậu quả của hơn 2 năm xảy ra đại dịch, doanh nghiệp không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu.

Doanh nghiệp cũng phản ánh khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp tình trạng này.

Một số yếu tố được các hiệp hội phản ánh do quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ nên tài sản đảm bảo của doanh nghiệp thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay.

Dòng tiền “tự thân” của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định khiến các doanh nghiệp cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn.

Ngay cả đối với các doanh nghiệp không gặp vướng mắc bởi hai yếu tố trên thì trong bối cảnh hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng không còn room tín dụng để cho doanh nghiệp vay.

Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ: "Nhiều doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối cho vay khoản vay mới, dẫn đến thiếu vốn, không thu mua được cá, tôm của nông dân".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel cho biết, Vietravel có đặc thù vừa là doanh nghiệp du lịch vừa là doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh về vận chuyển hàng không nên sức ép tài chính rất lớn.

Như vậy vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách.

Mặc dù có những hỗ trợ của Chính phủ với người lao động nhưng quy mô rất nhỏ, không có tác động lớn đến sự thay đổi để phục hồi ngành du lịch.

Trong khi đó, các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều.

Còn gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp du lịch không tiếp cận được, nhiều rào cản.

Phần lớn doanh nghiệp đều cho rằng, khó tiếp cận vốn vay vì các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả được nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều đã thế chấp hết.

Còn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có thế mạnh ở nhân lực, tri thức, thương hiệu thì các yếu tố này không thế chấp được.

Cần một nguồn vốn lớn cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần một nguồn vốn lớn cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần linh hoạt chính sách tín dụng

Thời gian qua nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã được thực hiện, trong đó có chính sách miễn, giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp và người dân.

Các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, giữ nguyên nợ...

Theo các chuyên gia kinh tế, có một số nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn.

Đó là việc xem xét cấp tín dụng của các chi nhánh ngân hàng còn phụ thuộc nhiều vào trụ sở chính về mức cho vay và các điều kiện tín dụng khác, hay quy định về các điều kiện cấp tín dụng…

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp thường gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, do không có tài sản bảo đảm, trong khi đó, nhiều ngân hàng lại chỉ chú trọng đến tài sản bảo đảm khi cho vay đã làm cản trở khả năng tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, theo ông Hiếu, ngân hàng cần chuyển hướng sang cho vay tín chấp nhiều hơn, khi mà các khách hàng đáp ứng được những điều kiện, đặc biệt sau giai đoạn hậu Covid-19.

Ở một khía cạnh khác, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 gặp khó khăn thực sự chắc chắn sẽ được ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện, vì doanh nghiệp đóng cửa thì ngân hàng cũng khó tồn tại.

Do đó, hầu như các ngân hàng khó có thể từ chối hỗ trợ khách hàng nếu gặp khó khăn thực sự bởi dịch bệnh.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tái khẳng định, việc tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng.

Do đó, việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Đối với tăng trưởng tín dụng, thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.