Nhà đầu tư không đăng ký mua hết lượng cổ phiếu CTR trong phiên đấu giá của Viettel

03/12/2020 10:57 toquoc.vn

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố kết quả đăng ký mua cổ phần của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (CTR) do Tập đoàn Viettel sở hữu.

Cụ thể, có 19 nhà đầu tư trong nước tham gia phiên đấu giá CTR lần này với tổng lượng cổ phần đăng ký là 4,24 triệu đơn vị trên tổng số 7,75 triệu cổ phần chào bán (tỷ lệ đăng ký đạt 57%).

Trong đó, có 2 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua tổng cộng gần 1,54 triệu cổ phiếu CTR. Phần còn lại 2,89 triệu cổ phiếu CTR do 17 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua. Phiên đấu giá sẽ được diễn ra vào 14h ngày 7/12/2020.

Một điểm đáng chú ý, dù giá khởi điểm đấu giá CTR chỉ là 46.600 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khá nhiều so với thị giá (kết thúc phiên giao dịch 2/12 đạt 58.500 đồng/cổ phiếu) nhưng CTR vẫn không được nhà đầu tư đăng ký mua hết.

Theo một số nhà đầu tư trên thị trường, việc CTR "ế" trong đợt đấu giá này không phải từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà có thể do quy chế đấu giá cổ phần có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư tham gia. Cụ thể, theo quy chế đấu giá, trong trường hợp ngày mở cuộc đấu giá công khai mà giá giao dịch cổ phiếu CTR tính theo giá sàn cao hơn giá trúng đấu giá thì nhà đầu tư phải thanh toán tiền mua cổ phần theo giá giao dịch là giá sàn của ngày mở cuộc đấu giá công khai.

Ví dụ giá trúng đấu giá là 46.600 đồng/cổ phiếu (giá khởi điểm), nhưng giá sàn phiên đấu giá là 50.000 đồng/cổ phiếu thì nhà đầu tư sẽ có 2 lựa chọn, một là mua đấu giá với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, hai là bỏ đấu giá và mất 10% tiền đặt cọc. Đây là mấu chốt khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rủi ro đấu giá CTR khi cổ phiếu này tăng khá "nóng" thời gian qua.

CTR là đơn vị phụ trách toàn bộ việc xây lắp hạ tầng cơ sở mạng viễn thông trong nước và quốc tế của Viettel. Đến nay, Viettel Construction đã có 25 năm xây dựng và phát triển, trở thành Công ty số 1 Việt Nam trong lĩnh vực xây lắp và vận hành khai thác hạ tầng viễn thông với lực lượng lao động lên tới 10.000 người.

CTR hiện không chỉ tập trung vào lĩnh vực xây lắp hạ tầng viễn thông mà đã mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh mới với 4 trụ, bao gồm Vận hành khai thác (VHKT), Hạ tầng cho thuê (TowerCo), Giải pháp tích hợp và Xây lắp.

Trong 9 tháng đầu năm, CTR đạt doanh thu 4.235 tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế 168,3 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, CTR đặt kế hoạch lãi sau thuế 199 tỷ đồng và với kết quả thực hiện, công ty đã hoàn thành xấp xỉ 85% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra.

Tại buổi analyst meeting đầu tháng 11, lãnh đạo công ty cho biết theo kế hoạch đến năm 2025, doanh thu CTR đạt 11.500 tỷ đồng và lợi nhuận 518 tỷ đồng, duy trì ROE cao và ổn định với mức trung bình 16%; ROA từ 4-5% trong giai đoạn 2021 – 2025. Dù vậy, lãnh đạo CTR tin rằng công ty sẽ hoàn thành vượt xa kế hoạch trên, doanh thu năm 2025 có thể lên đến 1 tỷ USD (khoảng 23.500 tỷ đồng), tỷ trọng doanh thu ngoài tập đoàn lên tới 50%.

Mục tiêu đến năm 2025, CTR trở thành công ty đầu tư và cho thuê hạ tầng (TowerCo) hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty cũng mở rộng cung cấp dịch vụ xây dựng, vận hành khai thác ra ngoài Viettel và thị trường nước ngoài; Phát triển các giải pháp năng lượng sạch, cơ điện thông minh.