Hôm nay, ngày đầu tiên của năm 2025. Cùng với những hoạt động vui chơi đón Tết Nguyên đán thì cũng là thời điểm người dân tưng bừng du xuân. Các điểm du lịch nổi tiếng lại được dịp đông khách. Vậy nhưng với Dinh Bảo Đại – Đà Lạt, nghĩ đến thôi… là lại đau đớn lòng.
Tạm gác lại nguyên do vì sao 8 tháng qua, Dinh 1 Bảo Đại lại tạm thời đóng cửa đón khách. Cũng tạm gác lại vấn đề chưa được thống nhất giữa Tỉnh Lâm Đồng và doanh nghiệp về số tiền phải trả cho việc đơn phương chấm dứt hợp đồng... với những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đến hết thời gian thuê là 50 năm.
Sau bài viết “Dinh Bảo Đại, những điều trông thấy mà đau đớn lòng” được đăng tải ngày 26/12/2024, Tạp chí Việt - Mỹ nhận được thật nhiều những ý kiến, sự quan tâm của du khách cả trong và ngoài nước đối với vấn đề này.
Đại đa số ý kiến thể hiện sự tiếc nuối về việc Dinh 1 Bảo Đại tạm đóng cửa, dừng đón khách thập phương trong thời gian dài thì cũng có những ý kiến của bạn đọc bày tỏ sự quan ngại với quyết định nhanh chóng về việc đóng cửa Dinh thời gian dài mà không có phương án gìn giữ, bảo tồn.
Như bạn đọc Phùng Thị Thuỷ Trang nêu ý kiến: “Cơ quan chức năng đang ở đâu khi một biểu tượng văn hóa như thế này bị bỏ mặc? Việc để tình trạng này kéo dài là một sự thiếu trách nhiệm nghiêm trọng”.
Hay như bạn đọc Lê Anh Dũng chia sẻ: “Tại sao một biểu tượng của Đà Lạt như Dinh lại bị đóng cửa mà người dân không được thông báo? Phải chăng có vấn đề nội bộ cần che giấu? Đây là sự thiếu minh bạch không thể chấp nhận”.
Còn bạn đọc Phí Phương Thảo nêu câu hỏi: “Không thể chấp nhận việc im lặng kéo dài. Tại sao mọi thứ liên quan đến Dinh lại mập mờ như vậy? Người dân có quyền được biết sự thật”.
Việc Dinh Bảo Đại đóng cửa đột ngột, mặc dù đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo nhưng vẫn chưa truyền tải đầy đủ thông tin đến đại bộ phận du khách thập phương nói chung và người dân Đà Lạt nói riêng. Nhiều du khách trên khắp mọi miền thế giới sau khi không được vào thăm Dinh 1 đều bày tỏ sự tiếc nuối, hụt hẫng, thất vọng... như chia sẻ của Jess Lee – Du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam: “My friend told me this place is great for photo. She brought me but they temporary closed. Hope that they open again soon. The historical place was a truly magnificient sight to be hold”.
(Dịch: Bạn tôi bảo đây là một nơi chụp ảnh rất đẹp. Nên cô ấy đưa tôi đến đây nhưng họ đang tạm đóng cửa. Hy vọng nơi này sớm mở cửa lại. Đây là một địa điểm lịch sử thật sự tuyệt vời để được bảo tồn).
Hay như ý kiến của bạn đọc Linh Trần (trong một lần dẫn bạn bè quốc tế tới thăm Dinh 1) tiếc nuối: “Had a chance visited two years ago and it was enjoyable. So, I brought my friends but they temp closed. Can somebody tell me when they open again? I heard the palace was invested by foreigner and thought they did a great job for an absolute highlight”.
(Dịch: Hai năm trước tôi có dịp đến thăm nơi này và thấy rất thú vị. Vì vậy, lần này tôi dẫn bạn bè theo nhưng tiếc là họ đang tạm đóng cửa. Có ai biết khi nào họ mở cửa lại không? Tôi nghe nói nơi này được đầu tư bởi người nước ngoài và họ đã làm rất tốt, biến nơi này thành một điểm nhấn tuyệt vời).
Sau gần 8 tháng tạm dừng hoạt động, Dinh Bảo Đại Đà Lạt trở nên xuống cấp nghiêm trọng, thể hiện sự lãng phí và cùng với đó là sự tiếc nuối của du khách thập phương. Cùng với đó, việc để tình trạng đóng cửa kéo dài, không có phương án bảo vệ, bảo tồn di sản khiến cho người dân không khỏi xót xa, lo lắng.
Việc chính quyền địa phương nhanh chóng ra quyết định đóng cửa Dinh Bảo Đại, thu hồi dự án khi chưa lên phương án, kế hoạch một cách thấu đáo trong việc gìn giữ, bảo tồn hiện trạng Dinh 1 khiến dư luận nhận định rằng đây là một quyết sách vội vàng, chưa thấu đáo.
Một số ý kiến bức xúc về vấn đề này như bạn đọc Mai Nam Anh lên tiếng: “Nếu tiếp tục tình trạng này, Đà Lạt sẽ mất đi linh hồn của mình. Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ để di sản rơi vào tay những người chỉ quan tâm đến tiền”.
Có thể thấy sau gần 8 tháng nằm “đắp chiếu”, câu chuyện về Dinh Bảo Đại lại một lần nữa thu hút sự quan tâm của độc giả bởi cảnh hoang tàn, xuống cấp nơi đây. Không chỉ với người dân địa phương mà ngay cả du khách trong và ngoài nước cũng không khỏi tiếc nuối cho một danh thắng vang danh một thời.
Những quyết định của chính quyền địa phương đang đẩy khu danh thắng đặc biệt của Đà Lạt phải đối diện với cảnh xuống cấp, hoang phế... Muốn phục hồi, tôn tạo lại tốn một khoản chi phí lớn, gây tốn thất cho doanh nghiệp sau này cũng như ngân sách nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Xét về tính chất, lãng phí dưới góc nhìn văn hóa là một hành vi không đẹp. Tuy nhiên, dưới góc độ của phát triển xã hội bền vững và giác độ kinh tế - xã hội, lãng phí là một loại hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Hành vi nguy hiểm của lãng phí, suy đến cùng là sự hủy hoại tài sản, thời gian, nhân lực của xã hội từ các hoạt động công quyền (xây dựng, điều hành, thực thi chính sách). Tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm của lãng phí chính là sự thiệt hại vật chất của xã hội. Lãng phí do sự tắc trách, vô trách nhiệm khi làm những công trình theo cách “tiền trảm, hậu tấu” buộc phải ngừng công trình… thì thiệt hại do lãng phí “gặm nhấm” ngân sách không thể tính hết được.
Việc này ở Đà Lạt, tiếc là vẫn đang diễn ra, dù cho Tổng bí thư Tô Lâm đã nhiều lần chỉ đạo, dứt khoát phải loại bỏ tư duy không quản được thì cấm. Còn về phía chính quyền, Thủ tướng cũng đã nêu quan điểm, dứt khoát không có chỗ dung thân cho bất kỳ hành vi gây lãng phí nào.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến phòng, chống lãng phí. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác trong phòng, chống lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan tổ chức có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác trong phòng, chống lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế. |
Minh Trí
bình luận (0)