Ngành tôm trước áp lực giá nguyên liệu

19/04/2023 08:30 daidoanket.vn

Tính đến hết quý 1, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%; xuất khẩu cá tra thu về 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ; và xuất khẩu cá ngừ giảm 31%, chỉ được 179 triệu USD.

Xuất khẩu tôm dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023.

Xuất khẩu tôm dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023.

Gần 20 năm tham gia xuất khẩu, chưa khi nào Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, doanh nghiệp (DN) đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu, thì nay vẫn đang sản xuất cầm chừng chờ đơn hàng. Theo ông Võ Văn Phục -Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, lượng nguyên liệu trong nước giảm rất mạnh. Do đó, bức tranh xuất khẩu thủy sản quý I/2023 không mấy khả quan.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), thị trường thế giới được dự báo vẫn chưa khởi sắc, nhập khẩu tôm của Mỹ chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm 2023. Nhu cầu sẽ vẫn tập trung nhiều hơn vào tôm cỡ nhỏ, lợi thế nghiêng về Ecuador vì nguồn cung tôm dồi dào hơn và thuận lợi về vị trí địa lý. Ngoài ra, tình trạng lạm phát, xung đột Nga – Ukraine cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu tôm.

Nền kinh tế châu Âu tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023. Với thị trường Hàn Quốc, nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của thị trường này cũng sẽ chậm lại do kinh tế khó khăn.

Đáng chú ý theo ông Trương Đình Hòe giá tôm trên thị trường thế giới giảm dần từ cuối năm 2022 và dự kiến còn tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Tuy nhiên ở trong nước, giá tôm nguyên liệu lại tăng nên chế biến xuất khẩu gặp khó.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm, tránh tình trạng tăng giá liên tục như hiện nay. Đồng thời, quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Song hành với đó, ban hành cơ chế chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Theo chia sẻ của các DN ngành tôm, giá thành nuôi tôm cao vì thức ăn chiếm trên 65% giá thành tôm công nghiệp; phần lớn tôm giống bố mẹ phải nhập khẩu nên giá con giống cao; hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo nên nguồn nước dễ bị ô nhiễm, làm tăng chi phí bảo vệ tôm,...

Theo TS Trần Hữu Lộc, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, để ngành tôm có thể nâng sức cạnh tranh người nuôi tôm nên thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp. Bởi hiện nay, sản xuất là để cạnh tranh với thị trường quốc tế. Vì vậy, giá thành sản xuất phải đủ độ cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc minh bạch.

Năm 2023, ngành tôm đặt mục tiêu phấn đấu nuôi trồng đạt sản lượng 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD. Để đạt được kết quả này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần tổ chức liên kết tham gia chuỗi giá trị, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn; kiểm soát chặt chẽ vùng nuôi, giá cả vật tư đầu vào để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đối với các DN, người nuôi tôm phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó chủ động với các khó khăn có thể xảy ra như hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên vật nuôi. Bên cạnh đó, các DN chế biến cũng cần tập trung cho phân khúc chế biến sâu để nâng cao giá trị xuất khẩu.