Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức buổi làm việc trực tuyến với một số Hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là trong việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Được sự ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Văn phòng Chính phủ, cuộc làm việc do ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), Thường trực Tổ công tác chủ trì.
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan nhấn mạnh, trong năm 2020-2021, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan, các địa phương khi ban hành các văn bản phải đúng yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, không được gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hoá.
Bà Phan Thanh Xuân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giầy-Túi xách nêu, Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời được doanh nghiệp hưởng ứng. Sau khi Nghị quyết ban hành, tháng 10/2021 các doanh nghiệp ngành da-giầy-túi xách đã mở cửa trở lại, thực hiện hoạt động công suất từ 30-50%. Sau tháng 10, hoạt động xuất khẩu đã đạt kết quả tăng trưởng nhất định. Các nhãn hàng đều thấy tính cơ hội và khả quan trong phục hồi sản xuất.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, trong 10 tháng năm 2021, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 32 tỷ USD. Tuy xuất khẩu quý III/2021 sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tháng 10 khả quan hơn. Dự kiến cả năm xuất khẩu khoảng 38-38,5 tỷ USD (cao hơn năm 2020 là 10%). Kết quả này là sự cố gắng lớn của ngành dệt may.
Ông Trương Văn Cẩm cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, tình hình sản xuất, kinh doanh khả quan hơn nhiều, thống kê cho thấy 85-95% người lao động trong doanh nghiệp trở lại làm việc. Tình hình sản xuất trong nhà máy khá thuận lợi. Tuy nhiên dịch vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy, việc khống chế hiệu quả dịch bệnh trong các tháng cuối năm sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất thuận lợi hơn.
(Ảnh minh họa)
Tại buổi làm việc, ý kiến của các hiệp hội kiến nghị Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét về việc tăng giờ làm thêm của lao động. Nguyên nhân là khi phục hồi sản xuất trở lại, doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất nhiều hơn để bù đắp các đơn hàng; các doanh nghiệp cũng đánh giá người lao động có nhu cầu làm việc nhiều hơn sau thời gian nghỉ giãn cách để tăng thu nhập.
Nhiều phản ánh, kiến nghị đã được các hiệp hội nêu tại cuộc làm việc. Trong đó có phản ánh mỗi địa phương áp dụng quy định phòng, chống dịch khác nhau.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, Hiệp hội đã vận động các doanh nghiệp triển khai trở lại du lịch nội địa.
Sau 1 tháng triển khai, ông Bình cho biết, rào cản lớn nhất là quy định của các địa phương không thống nhất, trong đó có việc quy định xét nghiệm với khách du lịch trước khi đến địa phương; có địa phương quy định lại thay đổi liên tục. Về việc này, Hiệp hội kiến nghị cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm cho khách du lịch.
Bà Phan Thanh Xuân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Da-giầy-túi xách nêu: Thủ tục, quy trình cách ly trường hợp F0, F1 cho đến nay còn nhiều bất cập. Một công nhân nếu là F0 thì mất tối thiểu 21 ngày chữa bệnh và cách ly, chưa kể thời gian làm thủ tục, như vậy thời gian cho một người quay trở lại sản xuất mất tối thiểu từ 21-25 ngày. Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại quy trình này.
Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội vận tải nêu, vấn đề taxi phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội nhưng lệ phí giao thông, lệ phí môi trường vẫn phải đóng…
Đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam (KOTRA Việt Nam) đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các chính sách phòng, chống dịch với ưu tiên hàng đầu cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, điều này giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên một số doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn gặp khó khăn cần hỗ trợ, KOSTRA Việt Nam đề nghị đẩy nhanh giấy phép nhập cảnh cho các nhà đầu tư, cán bộ, nhân viên công ty Hàn Quốc vào Việt Nam làm việc.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề xuất việc nhập cảnh của nhà đầu tư cần ngắn gọn hơn cho người đã có thẻ cư trú vào Việt Nam; giảm thời gian cách ly cho chuyên gia đã tiêm đủ vaccine; cần sự thống nhất trong áp dụng chính sách cách ly tại các địa phương để duy trì sản xuất…
Theo ông Ngô Hải Phan, lãnh đạo Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương ban hành văn bản triển khai chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương nhưng gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá và gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Thường trực Tổ công tác đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá tại các địa phương với các vấn đề cụ thể. Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp để tham mưu đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ.
bình luận (0)