

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm đến thay thế, nhưng đi kèm không ít rủi ro và thách thức.
Lợi thế lớn cho xuất khẩu Việt Nam
Trong bản danh sách áp thuế quan được Tổng thống Trump công bố ngày 15/7, các quốc gia bị áp thuế gồm: Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines – tập trung vào các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, linh kiện, dệt may và nông sản.
Việt Nam hiện không nằm trong danh sách này, nhưng điều đó không có nghĩa là đứng ngoài vòng xoáy.
Trên thực tế, khi Mỹ siết thuế với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, hàng hóa Việt Nam có thể được hưởng lợi về mặt thị phần, đặc biệt ở các phân khúc như:
Dệt may – da giày: Xuất khẩu từ Thái Lan và Indonesia bị đánh thuế sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tăng đơn hàng.
Linh kiện điện tử: Malaysia chịu thuế mới sẽ giúp Việt Nam – nơi có các nhà máy của Samsung, Intel – trở thành nguồn cung thay thế hấp dẫn hơn.
Nông sản: Đặc biệt với mặt hàng gạo, trái cây nhiệt đới, Việt Nam có cơ hội mở rộng xuất khẩu sang Mỹ, nơi trước đây các đối thủ ASEAN cạnh tranh trực tiếp.
Mức thuế này cũng khiến cho các doanh nghiệp đa quốc gia – vốn có nhà máy ở Thái Lan, Malaysia – có thể cân nhắc dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam để tránh bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới.
Điều này có thể giúp dòng vốn FDI tăng mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là thiết bị điện tử, linh kiện ô tô và chế biến thực phẩm.
Đồng thời Việt Nam có cơ hội vươn lên là trung tâm sản xuất chiến lược tại châu Á trong chuỗi cung ứng hướng vào thị trường Mỹ.
Trên thực tế, nếu loại bỏ rào cản thuế quan, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố và lợi thế để dọn ổ đón đại bàng từ các quốc gia bị đánh thuế cao hơn trong khu vực. Các lợi thế đó bao gồm:
Vị trí địa lý thuận tiện, gần các trung tâm logistics của châu Á và tuyến vận tải biển quốc tế.
Hệ thống FTA rộng lớn (CPTPP, EVFTA, RCEP…) giúp sản phẩm Việt có mức thuế ưu đãi khi xuất khẩu đi nhiều thị trường.
Hạ tầng công nghiệp đang phát triển nhanh, với nhiều khu công nghiệp hiện đại tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Long An…
Kinh nghiệm làm việc với các “ông lớn” như Samsung, Intel, Apple khiến Việt Nam được đánh giá là điểm đến FDI đáng tin cậy.
Rủi ro và thách thức
Khi Việt Nam trở thành điểm đến thay thế cho các doanh nghiệp Đông Nam Á muốn né thuế, nguy cơ bị Mỹ điều tra “lẩn tránh thuế quan” (circumvention) là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt đối với các loại hàng hóa gắn mác “Made in Vietnam” nhưng nguyên liệu, linh kiện vẫn đến từ Malaysia, Thái Lan. Hoặc các doanh nghiệp chỉ chuyển địa chỉ lắp ráp mà không thực sự đầu tư dài hạn.
Trong quá khứ, Việt Nam đã từng đối mặt với tình trạng tương tự trong ngành thép, gỗ và panel năng lượng mặt trời – dẫn đến bị áp thuế chống lẩn tránh.
Bên cạnh đó mức thuế quan cao sẽ khiến các nước như Thái Lan, Indonesia – sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ gây áp lực cạnh tranh trực tiếp cho doanh nghiệp Việt trong nhiều lĩnh vực như hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến; điện gia dụng giá rẻ, phụ kiện ô tô – xe máy…
Ngoài ra, nếu các nước trong ASEAN bị suy giảm xuất khẩu do thuế Mỹ, tăng trưởng khu vực sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu nội khối của các quốc gia này – nơi Việt Nam đang có lợi thế là bạn hàng lớn của Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Singapore...
Để hạn chế rủi ro, Việt Nam cần triển khai một số biện pháp đồng bộ như:
Giám sát chặt dòng vốn FDI vào lĩnh vực nhạy cảm, tránh tình trạng doanh nghiệp nước ngoài “mượn danh” Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất, đặc biệt trong ngành điện tử, cơ khí – để tăng tính minh bạch và giảm rủi ro bị điều tra xuất xứ.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giữ vững cam kết trong các FTA như CPTPP, EVFTA, để bù đắp rủi ro từ sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ.
Mức thuế mới của Mỹ với các nước ASEAN có thể là “làn gió thuận” cho xuất khẩu Việt Nam trong ngắn hạn. Nhưng nếu thiếu chuẩn bị và quản trị rủi ro tốt, làn gió ấy có thể trở thành “cơn bão ngược”.
Đây là lúc Việt Nam cần tỉnh táo tận dụng cơ hội, đồng thời kiểm soát tốt các hệ lụy để bảo vệ uy tín quốc gia và vị thế bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vũ Ninh
bình luận (0)