MB tăng trưởng tín dụng 23% trong năm 2020, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng mạnh lên 160%, lợi nhuận tăng 6,5%

11/01/2021 16:17 toquoc.vn

Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB – mã chứng khoán MBB) vừa tổ chức hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 trên toàn hàng.

Theo lãnh đạo ngân hàng này, kết thúc năm 2020 MB đạt tổng tài sản 495 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so với cuối năm 2020, tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất. Tốc độ tăng trưởng 19,6% cũng cao hơn nhiều so với một số ngân hàng lớn đã thông tin trước đó (BIDV tăng 7%, Vietcombank tăng 10,4%, VietinBank tăng 5,1%...).

Lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất đạt 10.688 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,5% so với năm 2019, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 9.698 tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% so với năm trước, cao hơn so với mục tiêu đề ra ban đầu (kế hoạch giảm khoảng 10%). ROE và ROA của MB nằm trong top 5, trong đó riêng Tỷ suất sinh lời trên tổng vốn đạt 18,66%.

Có được kết quả trên là nhờ ngân hàng đã tiết giảm mạnh chi phí hoạt động, với chỉ số chi phí trên doanh thu thuần (CIR) giảm xuống còn 34,5% từ mức 36,63% của năm 2019 – nằm trong nhóm các nhà băng có CIR thấp nhất. Ngân hàng cũng duy trì tốc độ tăng trưởng trong điều kiện khó khăn với doanh thu thuần tăng 14%.

Mảng dịch vụ được MB đẩy mạnh trong năm qua, đóng góp vào doanh thu thuần tới 2.312 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước. Ngân hàng số thu hút gần 2 triệu người dùng mới, đạt 90 triệu giao dịch, cao gấp 3 lần năm 2019; hơn 84% các giao dịch được thực hiện qua kênh số. Hạn mức giao dịch qua App của MB cao nhất thị trường, lên đến 15 tỷ đồng nếu khách hàng sử dụng Digital OTP của ngân hàng. MB đồng thời cũng triển khai thành công định danh khách hàng trực tuyến eKYC bằng video qua gương mặt và giọng nói, giúp thu hút thêm hàng trăm nghìn khách hàng mới.

Tín dụng cũng tăng cao với tổng dư nợ của ngân hàng mẹ là hơn 307 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, trong đó tập trung vào khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Song song với đẩy tăng tín dụng, ngân hàng cũng kiểm soát chặt chất lượng với tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất ở mức 1,09% còn ngân hàng mẹ thì chỉ ở mức 0,92%, thấp hơn so với mức 0,98% của năm 2019. Dự tính trước các rủi ro do Covid-19 mang lại, MB cũng tăng mạnh tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu lên đến 160%, tăng mạnh so với mức 116% hồi cuối quý 3 và là ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao thứ 2 trong hệ thống chỉ sau Vietcombank.

Trong năm qua MB cũng đã dành 10% doanh thu, tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay qua 5 đợt điều chỉnh, và miễn, giảm phí để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Năm 2021, MB đặt mục tiêu kinh doanh khá thách thức với phương châm tăng tốc số, đột phá bán lẻ, an toàn, hiệu quả, tiếp tục duy trì top 5 ngân hàng kinh doanh tốt nhất, phấn đấu top 3 về chất lượng và hiệu quả, đồng thời dẫn đầu về số hóa. Theo đó, ngân hàng đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 25 – 30%, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tổng tài sản tăng khoảng 15% lên 545 nghìn tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng theo chỉ tiêu của NHNN giao nhưng phấn đấu ở mức cao nhất, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất dưới 1,3%.

 MB cũng đặt mục tiêu năm 2021 chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tốc độ xử lý, hướng tới mục tiêu top đầu thị trường về tốc độ phục vụ. Năng lực bán chéo tập đoàn sẽ được đẩy tăng với mức tăng trưởng khoảng 40 – 50%.