Masan thâu tóm Phúc Long, định giá tăng 4 sau nửa năm lên tới 355 triệu USD, dự phóng lợi nhuận chuỗi đồ uống năm 2022 đạt kỷ lục 500 tỷ đồng

10/02/2022 06:31 toquoc.vn

Theo thông báo từ Masan Group, trong tháng 1/2022, Tập đoàn đã tiến hành mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này. 

Masan cho biết đã bỏ 110 triệu USD cho 31% cổ phần, tương ứng định giá vốn cổ phần Phúc Long là 355 triệu USD, khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. 

Định giá này tương ứng mức P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022, điều này có nghĩa lợi nhuận ước tính trong năm nay của Phúc Long sẽ xấp xỉ 500 tỷ đồng. Đây có thể là con số gây choáng ngợp đối với các doanh nghiệp F&B.

Ngay cả với Highlands Coffee, chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam kể cả về quy mô, doanh thu và lợi nhuận trong năm đỉnh cao cũng chỉ lãi khoảng 100 tỷ đồng sau thuế. 

Mặt khác, mức P/E foward 15x là ngang ngửa với Vinamilk, công ty sữa chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam. 

Tháng 5/2021, Masan công bố khoản đầu tư 15 triệu USD vào Phúc Long, đổi lấy 20% vốn cổ phần.

Định giá công ty sản xuất và vận hành chuỗi trà – cà phê tương ứng 75 triệu USD. Như vậy là sau chưa đầy một năm, giá trị của Phúc Long đã tăng gần gấp 5 lần. 

Theo Masan, kể từ khi nhận được khoản đầu tư, Phúc Long đã thể hiện được sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược Point of Life (POL).

Masan cho biết, chiến lược này sẽ tăng tốc hơn nữa khi Phúc Long trở thành công ty thành viên của Tập đoàn. 

Bên cạnh các cửa hàng đồ uống được hình thành trước đó, sau khi hợp tác với Masan, Phúc Long triển khai mô hình kiosk tại các điểm bán thuộc WCM (cụ thể là các cửa hàng tiện ích WinCommerce).

Mô hình này bao gồm chính sách chia sẻ một phần doanh thu của Phúc Long cho Masan. 

Mô hình POL của Masan hướng đến việc cung cấp đầy đủ các sản phẩm/dịch vụ từ nhu yếu phẩm, dược phẩm, sản phẩm tài chính, dịch vụ giải trí, viễn thông chiếm từ 60 – 80% chi tiêu dùng của người Việt Nam trên một hệ sinh thái tích hợp từ offline đến online. 

Ngoài Phúc Long, năm ngoái Masan cũng mua kiểm soát Công ty cổ phần Mobicast, một startup trong lĩnh vực mạng di động ảo đang chìm trong thua lỗ.

Masan đã triển khai thí điểm các gói dữ liệu viễn thông mang thương hiệu Reddi tại một số điểm bán thuộc WCM và dự kiến mở rộng toàn quốc trong năm 2022.