Luật hóa để giải tỏa điểm nghẽn nợ xấu

21/04/2025 09:45 daidoanket.vn

Tại buổi tọa đàm Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần thiết sửa đổi Luật, đây được xem là liều thuốc mạnh hóa giải mối lo nợ xấu, khai thông huyết mạnh nền kinh tế.

2 tháng đầu năm, nợ xấu tăng 34.000 tỷ đồng

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024 đã đưa ra những điều chỉnh để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp lý của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là Luật đã không luật hóa một số quy định trong Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về xử lý nợ xấu như: Quyền thu giữ, kê biên tài sản đảm bảo, hoàn trả tài sản đảm bảo sau vụ án… làm ảnh hưởng tới khả năng xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

tren.jpg

Theo ông Hùng, tính đến cuối năm 2024, tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng khoảng 1.030.000 tỷ đồng bao gồm cả năm ngân hàng tái cấu trúc. Nếu loại trừ 5 ngân hàng phải tái cấu trúc thì tỉ lệ nợ xấu khoảng 1,93%, tăng khoảng 0,2% so với năm 2023.

Phân tích cụ thể, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nêu rõ, thời điểm đầu năm 2024, Nghị quyết 42 hết hiệu lực, tiếp đó Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ từ thời Covid-19 cũng hết hiệu lực làm cho nợ xấu ngày càng tăng. Nếu tính tỉ lệ nợ xấu tổng thể là khoảng 5,36%, trong đó nợ nội bảng khoảng 780.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC khoảng 101.000 tỷ, nợ tiềm ẩn rủi ro 150.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ xấu khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2024.

Trong khi đó, tốc độ xử lý nợ xấu năm 2024 chủ yếu liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng, xử lý tài sản bảo đảm chiếm 46%; nợ khách hàng tự trả hơn 100.000 tỷ, chiếm tỉ lệ 36%; còn lại là nợ bán cho VAMC. “Nợ được thu hồi thông qua bán tài sản bảo đảm qua thi hành án chỉ 7.000 tỷ, chiếm tỷ lệ rất thấp” - ông Hùng nói.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng nợ xấu rất nhanh đến 34.000 tỷ đồng, nếu tính cả các ngân hàng tái cơ cấu là 1.000.064 tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ xử lý nợ xấu trong 2 tháng đầu năm khoảng 14.000 - 15.000 tỷ đồng, vẫn chủ yếu do các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro, còn khách hàng tự trả nợ 10.000 tỷ đồng, chiếm 36%, bằng so với năm 2024; tỉ lệ xử lý của ngân hàng trong 2 tháng tăng thêm 2%, lên 48%.

“Như vậy, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu là nguồn từ các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp, dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản nếu không xử lý kịp thời” - ông Hùng nêu vấn đề.

Đáng chú ý, kể cả các bản án đã có hiệu lực thi hành cũng rất vướng mắc, khó khăn. Ông Hùng nêu ví dụ, có bản án đã có hiệu lực thi hành, nhưng qua 27 - 28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản vẫn không xử lý được vì vướng Luật Đất đai.

Loại bỏ tư duy tìm mọi cách để không trả nợ

Từ thực tiễn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng, ông Hùng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ mà là tiếng chuông cảnh tỉnh để người đi vay phải có ý thức và trách nhiệm trả nợ, xóa bỏ tư duy tìm mọi cách không trả nợ, tìm mọi cách để không bàn giao tài sản, tìm mọi cách để xin miễn lãi, thậm chí vay để trả gốc và cũng không muốn trả lãi trong khi đó tài sản bảo đảm rất lớn.

Cùng với đó, từ những quan điểm đã dự thảo để đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng trước đây, Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp 3 nội dung chính gồm: Luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để các tổ chức tín dụng đưa ra thảo luận.

“Về quy định thu giữ tài sản bảo đảm, nội dung quan trọng nhất là cần truyền thông để người dân hiểu, ý thức trách nhiệm đã vay vốn ngân hàng là phải trả nợ, nếu không trả được nợ thì phải tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng hoặc tự xử lý tài sản bảo đảm để trả nợ ngân hàng. Cùng với đó, cần đưa vào luật trách nhiệm của cơ quan cấp xã gắn liền với nơi có tài sản bảo đảm để có thể phối hợp hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật” - ông Hùng nhấn mạnh.

Góp ý vào Dự thảo Luật, bà Nguyễn Thị Phương – Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng nêu ý kiến: Khi hợp đồng/thỏa thuận được đại diện hợp pháp của các bên ký kết thì có cơ sở xác định các bên đã đồng thuận, thống nhất và đồng ý với tất cả các nội dung ghi trong hợp đồng/thỏa thuận được ký kết, trong đó có nội dung “bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) theo quy định của pháp luật”. “Việc bổ sung cụm từ “bên bảo đảm đồng ý cho” tại điểm b khoản 2 Điều 198 Dự thảo là không cần thiết và gây khó khăn trong thi hành luật đối với những trường hợp hợp đồng/thỏa thuận thiếu cụm từ này. Vì vậy, cần xem xét bỏ nội dung “bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật” - bà Phương kiến nghị.

Chia sẻ quan điểm của mình, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, luật hóa các quy định trong Nghị quyết 42 sẽ giải quyết các vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu; đồng thời hài hòa hóa giữa việc bảo vệ quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng với việc thực thi các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền. “Những thay đổi này sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và giảm chi phí hoạt động của các tổ chức tín dụng, từ đó hỗ trợ việc giảm lãi suất cũng như tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế; đồng thời tăng ý thức trách nhiệm của bên đi vay” – ông Lực nhấn mạnh đồng thời cho rằng, quan trọng hơn là tháo gỡ vướng mắc, rào cản, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả, chất lượng pháp luật nhất là trong bối cảnh nợ xấu gia tăng...

Link gốc