Loạt ngân hàng chia cổ tức 'khủng' bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ

14/05/2022 06:28 daidoanket.vn

 

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đưa ra chủ trương các ngân hàng không chi trả cổ tức tiền mặt để giảm lãi suất cho vay. Đây đã là năm thứ ba liên tiếp phía cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Vì vậy, trong mùa đại hội cổ đông năm nay, loạt ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu theo yêu cầu của cơ quan quản lý đồng thời nhằm tăng vốn điều lệ.

Loạt ngân hàng chia cổ tức
Loạt ngân hàng chia cổ tức "khủng" bằng cổ phiếu. Ảnh minh họa

Vietcombank

Sáng ngày 29/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, MCK: VCB) tổ chức đại hội đồng cổ đồng thường niên lần thứ 15 năm 2022.

Tại đại hội, cổ đông Vietcombank đã thông qua phương án phát hành 856 triệu cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ phát hành 18,1% (tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới), để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020. Thời gian thực hiện là trong năm 2022.

Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, năm 2021, Vietcombank báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 27.389 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Huy động vốn, tín dụng đều tăng trưởng ở mức cao (tương ứng tăng 9% và 15% so với năm 2020), vượt kế hoạch đề ra.

Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, Vietcombank là ngân hàng có đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước với quy mô nộp ngân sách khoảng 11.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Trong năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% (tương ứng vượt 30.675 tỷ đồng).

VietinBank

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra vào ngày 29/4, cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank, MCK: CTG) đã phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%, qua đó tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ.

Lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2021 của VietinBank là 13.622 tỷ đồng. Sau khi trích các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng phúc lợi, lợi nhuận còn lại của ngân hàng là 9.624 tỷ đồng. Nhà băng này cũng muốn dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại nói trên để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong năm 2022, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, lợi nhuận năm 2022 của VietinBank có thể đạt trên 19.300 tỷ đồng.

BIDV

Tại BIDV, cổ đông ngân hàng này đã thông qua kế hoạch phát hành thêm hơn 607 triệu cổ phiếu (tương đương 12% số cổ phần đang lưu hành) để trả cổ tức năm 2021 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo đó, BIDV có thể huy động 6.070 tỷ đồng theo phương thức này.

Ngoài ra, BIDV cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.552 tỷ đồng thông qua phát hành thêm hơn 455 triệu cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Với việc phát hành cổ phiếu như trên, vốn điều lệ của BIDV dự kiến tăng thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21%.

Bên cạnh đó, cổ đông BIDV cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.600 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 12,5%, đảm bảo tuân thủ hạn mức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao.

ACB

Tại đại hội cổ đông thường niên được tổ chức vào ngày 7/4, cổ đông Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua kế hoạch phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tương đương tỷ lệ chia là 25%), qua đó nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.

Về tình hình kinh doanh, trong năm 2022, ACB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là hơn 15.000 tỷ đồng. Tổng tài sản dự tăng 11%, tiền gửi khách hàng dự tăng 11%, tín dụng dự tăng 10% theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp tới hiện tại. Tỉ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%.

Trong quý đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của ACB khá khả quan với tổng tài sản đạt khoảng 525.000 tỷ đồng, cho vay đạt 374.000 tỷ đồng, huy động ở mức  386.000 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 4.200 tỷ đồng.

SHB

Chiều ngày 20/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Theo tờ trình tại cuộc họp, năm 2022, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 sẽ đạt 11.686 tỷ đồng, tăng tới 87% so với năm 2021. Chất lượng tài sản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 1,3%.

Tổng dư nợ tín dụng tăng 14,4% lên 421.715 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động tăng 9,8% lên 504.539 tỷ đồng.

Trong năm 2022, ngân hàng cũng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ từ 26.673 tỷ đồng lên 36.007 tỷ đồng. Cụ thể, SHB sẽ tăng vốn theo 2 cấu phần:

Đợt 1: SHB sẽ phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 15%. Nguồn vốn từ lợi nhuận năm 2021. Thời gian dự kiến phát hành trong quý 3/2022

Đợt 2: SHB sẽ chào bán hơn 533,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền tỷ lệ 20%. Giá chào bán chỉ ở mức 12.500 đồng/cp. Thời gian dự kiến hoàn thành là trong quý III/2022 hoặc cho đến khi SHB hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.