Lãnh đạo đẩy mạnh 'gom', cổ phiếu Cotana (CSC) lên đỉnh lịch sử

18/05/2021 11:59 toquoc.vn

Những ngày giao dịch gần đây, cổ phiếu CSC của Công ty cổ phần Tập đoàn COTANA (Cotana Group) đang là một trong những cái tên rất "nóng" trên sàn giao dịch chứng khoán.

Kết thúc phiên giao dịch 17/5, thị giá CSC đạt 44.200 đồng/cp, tăng 64% so với đầu năm và đây cũng là mức giá cao nhất từ khi niêm yết của cổ phiếu.

Lãnh đạo đẩy mạnh gom, cổ phiếu Cotana (CSC) lên đỉnh lịch sử - Ảnh 1.
 

"Ecopark thứ 2" ra mắt trong năm 2021

Tập đoàn Cotana được thành lập từ năm 1993 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị và cũng là người chèo lái Cotana là ông Đào Ngọc Thanh, từng đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc - góp phần quan trọng tạo nên thành công của khu đô thị sinh thái EcoPark hay mới đây là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinaconex (VCG).

Tính đến quý 1/2021, ông Thanh nắm giữ trực tiếp gần 5,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu gần 25%.

Cotana bắt đầu thoái vốn tại Ecopark từ năm 2017 và kể từ đó, tập đoàn này đã đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư bất động sản, bên cạnh lĩnh vực xây lắp truyền thống.

Hiện tại, tập đoàn tập trung chủ lực vào 2 dự án lớn tại Huế, bao gồm Khu đô thị EcoGarden và Khu nghỉ dưỡng sinh thái và sân golf Ngũ Hồ.

Đáng chú ý là dự án Ecogarden tại khu đô thị  mới An Vân Dương, Thừa Thiên Huế, với những quy hoạch tổng thể được công bố, có thể thấy EcoGarden được kỳ vọng trở thành "Ecopark thứ 2".

Kết quả kinh doanh năm 2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn COTANA được dự báo sẽ bùng nổ nhờ việc ra mắt các sản phẩm của dự án EcoGarden ngay trong năm.

Đây cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy giá cổ phiếu CSC biến động tích cực trong nửa đầu năm 2021.

Kế hoạch cụ thể trong năm 2021, Cotana Group đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.527,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 188 tỷ đồng – tăng trưởng lần lượt 5,3 lần và 2,5 lần so với kết quả thực hiện của năm 2020.

Đây là những con số mục tiêu cao nhất trong lịch sử hoạt động của Cotana.

Cổ tức dự kiến ở mức 10% VĐL của công ty mẹ.

Lãnh đạo đẩy mạnh gom, cổ phiếu Cotana (CSC) lên đỉnh lịch sử - Ảnh 2.
 

Ban lãnh đạo tích cực "gom" cổ phiếu

Một trong những lý do khác khiến cổ phiếu CSC tăng mạnh thời gian qua có thể đến từ động thái mua cổ phiếu của ban lãnh đạo công ty.

Mới đây, ngày 7/5 đã ghi nhận bà Đinh Thị Minh Hằng – Phó Tổng Giám đốc Cotana đã mua vào hơn 188.000 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,4% lên mức 1,27%.

Bên cạnh đó, bà Đào Thu Thủy - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị với tỷ lệ cổ phiếu đang nắm giữ đạt 4,25% đã đăng ký mua 300.000 cổ phiếu trong đầu tháng 4/2021.

Đáng chú ý, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cũng đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu CSC trong khoảng thời gian từ 19/5 đến 17/6/2021.

Trong năm 2020, Cotana đã tăng vốn điều lệ từ 205 tỷ lên hơn 215 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 1,02 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019. Mới đây, 10,5 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành cuối năm 2018 cũng đã được tự do chuyển nhượng, giao dịch trên Thị trường chứng khoán, từ đó giúp giảm bớt sự cô đặc của cổ phiếu CSC.

Theo báo cáo quản trị năm 2020, ban lãnh đạo Cotana và người có liên quan hiện vẫn còn nắm giữ đến 40% lượng cổ phiếu. Điều này khiến số lượng cổ phiếu lưu hành tự do là không quá lớn, việc CSC tăng giá có phần dễ dàng hơn so với nhiều cổ phiếu khác trên thị trường.