Cũng đã vài năm dư luận phản ánh về phố đi bộ ở một số thành phố lớn. Nhưng nó vẫn phát triển như một phong trào. Có người còn gọi đó là hội chứng. Mới đây, Hà Nội đầu tư vào phố đi bộ Ngọc Khánh 30 tỷ đồng, nhưng không hấp dẫn và lại tiếp tục bị... kêu.
Có thêm những tuyến phố đi bộ trong lòng đô thị là tốt, nhất là khi không gian công cộng ngày một ít, nhịp sống ngày một gấp gáp. Phố đi bộ ra đời như một giải pháp tạo không gian thư giãn và cũng là để phát triển du lịch, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng nhiều quá thì lại trở nên vô lý, lãng phí, vì “phong trào” mà ép phải triển khai bất chấp việc khu vực ấy có phù hợp, có đủ sức hút hay không.
Với Hà Nội, năm 2016, chính thức khai trương tuyến phố đi bộ đầu tiên xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Sau đó, có thêm các tuyến phố đi bộ khác, gồm phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) hoạt động từ tháng 5/2018; phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) chính thức mở cửa dịp 30/4 - 1/5/2022. Cuối tháng 12/2022, khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch) cũng được quận Ba Đình khai trương. Cũng trong dịp này, phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận thuộc quận Hai Bà Trưng cũng mở cửa đón khách… Chưa hết, lại có thông tin Hà Nội sẽ cho mở thêm 3 tuyến phố đi bộ nữa thuộc các quận Đống Đa và Ba Đình.
Việc ngày càng có nhiều không gian cho người dân “sống chậm” cuối tuần, và du khách có thêm điểm dừng chân, thụ hưởng các nét văn hóa, trải nghiệm các hoạt động du lịch là nỗ lực của Hà Nội nói riêng, và của nhiều tỉnh, thành phố nói chung. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy những dự án phố đi bộ được triển khai vội vã, thiếu nghiên cứu kĩ lưỡng đã dẫn đến việc phải tạm dừng hoạt động thì rõ ràng đó là sự lãng phí ngân sách. Dư luận gần đây quan tâm đến phố đi bộ bên hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) được đầu tư tới 30 tỷ đồng, vừa đưa vào hoạt động đầu tháng 10/2024, nhưng số người đến ít, không như kỳ vọng.
Kinh phí để mở các khu vực phố đi bộ thường là không nhỏ. Vì thế, từ thực tế những tuyến phố đi bộ không hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng nên hết sức cân nhắc việc triển khai phố đi bộ theo kiểu “bạn có, ta cũng có”. Nếu không sẽ sớm chết yểu, dẫn đến việc “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Các địa phương cũng cần nghiêm túc xem xét tính cần thiết trong quyết định đầu tư, cải tạo phố đi bộ. Nhìn lại một số tuyến phố đi bộ “chết yểu” trong thời gian qua cho thấy không chỉ là sự lãng phí mà còn gây khó khăn cho người tham gia giao thông, bất tiện, phiền toái cho người dân trong khu vực đó.
Không ít người nêu vấn đề, phải chăng ngân sách đã duyệt cho việc mở phố đi bộ nên nhất quyết phải làm?
Nhưng nếu thấy sai thì phải sửa, thấy không đúng thì cần thay đổi, không nên cố chấp để hoàn thành “ý tưởng” bằng được, giải ngân tiền bạc của công một cách rất không hiệu quả, thậm chí vô lý thì chỉ là sự lãng phí ngân sách và phung phí niềm tin của nhân dân.
bình luận (0)