Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 8 đã cho ý kiến về kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Qua đó đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập. Vậy cần khắc phục các hạn chế, bất cập này như thế nào?
Kết quả giám sát 104 trang, cùng 328 trang phụ lục cho thấy sự đồ sộ nhưng cũng thể hiện tầm quan trọng của vấn đề khi thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đang “vừa nóng, vừa lạnh”.
Theo kết quả giám sát: “Số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở gặp vướng mắc, chậm triển khai, bị đình trệ, trong khi nguồn lực đã đầu tư là rất lớn, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng khó khăn và chi phí, từ đó, tăng giá bán sản phẩm. Nhiều khu đô thị bị bỏ hoang. Hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra.
Nói như lời ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) thì: “Nhiều chung cư xây dựng xong chưa thể bán được, bỏ hoang hóa, xuống cấp, gây lãng phí cho nguồn lực xã hội, nợ xấu của ngân hàng”.
Những điểm nghẽn đã được nhận diện và câu chuyện lãng phí đã được “điểm mặt, chỉ tên”. Vậy giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề trên? Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát kiến nghị, Chính phủ tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn thực hiện và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó có công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và các chính sách khác có liên quan, bảo đảm duy trì mặt bằng hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, thực hiện mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (cũng được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8), ông Thanh đề nghị bám sát ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, bảo đảm cơ chế thí điểm phát huy tối ưu nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, tránh tạo thêm vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong khi đó, đối với những dự án đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về phương án tháo gỡ, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa (Quốc hội họp kín về vấn đề này), Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và rà soát bảo đảm nội dung Nghị quyết phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.
Từ thực trạng vướng mắc, khó khăn của các dự án bất động sản và nhà ở xã hội, ông Lê Thanh Hoàn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu chúng ta không quyết liệt rà soát từng dự án, có giải pháp tháo gỡ đối với từng dự án trên quan điểm nội dung nào cần phải sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật, nội dung nào cần xử lý bằng bản án, quyết định của cơ quan thẩm quyền thì cuối cùng dự án đó sẽ tiếp tục để cỏ mọc, công trình dở dang, nguồn lực xã hội vẫn tiếp tục bị lãng phí. Cho nên, ông Hoàn đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần quyết liệt vào cuộc, rà soát từng dự án và đưa ra giải pháp xử lý cụ thể nhằm chấm dứt tình trạng này.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho hay, Quốc hội, Chính phủ cần bổ sung những giải pháp riêng đủ mạnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện kéo dài có nguyên nhân từ việc pháp luật qua các thời kỳ thay đổi, các dự án bất động sản theo các kết luận thanh tra, kiểm toán kéo dài chưa có kết quả làm chậm xử lý các thủ tục triển khai thực hiện gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và khách hàng đã mua bất động sản.
Đưa ra giải pháp tháo gỡ, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) đề nghị, Chính phủ cần đặt trọng tâm nhiệm vụ xem xét, tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án đang vướng mắc hiện nay. “Chúng ta nên sử dụng nguồn lực này có hiệu quả, có thể chuyển đổi công năng sử dụng phù hợp. Sai phạm thì xử lý nhưng việc sử dụng có hiệu quả tài sản cần phải thận trọng và cân nhắc. Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra khung pháp lý đối với từng nhóm vướng mắc” - bà Hạnh nêu quan điểm.
“
Theo chương trình, chiều 23/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Tiếp đó, chiều 29/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp (30/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
bình luận (0)