Lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm tại Nhật Bản

12/11/2021 11:01 congluan.vn

Áp lực chi phí gia tăng cùng với việc đồng yên yếu đã làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, gây thêm khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong bối cảnh nước này đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Atsushi Takeda, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Itochu, cho biết: “Chi phí gia tăng chắc chắn tác động tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp.

Nếu nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các công ty buộc phải đẩy chi phí cho người tiêu dùng thông qua tăng giá thành”.

Điều này khiến chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp (CGPI), đo lường mức giá mà các công ty tính phí cho nhau với hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 8,0% trong tháng 10 so với một năm trước đó, vượt qua mức tăng dự kiến là 7,0%.

Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi dữ liệu này được thống kê vào tháng 01/1981.

Trong tháng 10 vừa rồi, giá bán buôn một loạt mặt hàng quan trọng đều tăng rất mạnh so với một năm trước đó, trong đó giá nhiên liệu tăng tới 44,5%, còn gỗ tăng 57,0%.

Thậm chí, chỉ số đo lường giá nhập khẩu bán buôn đã tăng kỷ lục 38,0% trong tháng 10 so với một năm trước đó, một dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm của đồng yên đã đẩy chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Các công ty Nhật Bản cho đến nay vẫn thận trọng về việc chuyển chi phí cho người dùng, do lo ngại các hộ gia đình có thể kìm hãm chi tiêu.

Điều này đã khiến giá tiêu dùng cốt lõi chỉ tăng 0,1% trong tháng 9 so với một năm trước.

Tuy nhiên, phần lớn các công ty Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch chuyển hoặc đã chuyển chi phí hàng hóa cho khách hàng.

Điều này sẽ gây áp lực khiến lạm phát càng gia tăng.

Đây có thể là giáng một đòn nặng nề vào người tiêu dùng Nhật Bản hơn so với người tiêu dùng ở các nước khác trong bối cảnh tăng trưởng tiền lương yếu.

Đó sẽ là thách thức với Thủ tướng Fumio Kishida trong việc đạt được cam kết phân phối nhiều của cải hơn cho các hộ gia đình.

Để hướng tới cuộc bầu cử thượng viện vào năm tới, Thủ tướng Kishida mới đây đã hứa sẽ cung cấp một loạt các khoản tiền mặt cho các hộ gia đình như một phần của gói kích thích mới.

Lạm phát hàng hóa đã ảnh hưởng đến các quốc gia trên toàn cầu. Lạm phát giá đầu vào tại các nhà máy của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong 26 năm vào tháng 10, tiếp tục siết chặt biên độ lợi nhuận của các nhà sản xuất.

Tại Mỹ, giá tiêu dùng đã tăng mạnh nhất trong 31 năm vào tháng 10 vừa qua, đồng thời các dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao trong năm 2022.

Hoàng Huy (Theo Reuters)