Lạm phát tăng cao, một phần ba người Mỹ gặp căng thẳng về tài chính

23/05/2022 06:10 congluan.vn

Theo cuộc khảo sát xung quanh các hộ gia đình gần đây nhất của Cục điều tra dân số, hơn một phần ba số hộ gia đình chia sẻ họ đang gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí để tồn tại từ ngày 27/4 đến ngày 9/5.

Số người Mỹ cho biết họ đang gặp khó khăn hoặc rất khó khăn trong việc chi trả cho các sinh hoạt phí gia đình đạt mức cao nhất vào năm 2020, ở đỉnh điểm của đại dịch COVID-19.

Tỷ lệ số người Mỹ gặp khó khăn trong việc chi trả các khoản thanh toán của họ thậm chí còn lớn hơn ở các bang: Gần một nửa số hộ gia đình ở tiểu bang Mississippi (khoảng 45%) đang rơi vào khó khăn trong việc chi trả các khoản chi tiêu nội gia đình, trong khi con số này là khoảng 43,6% ở tiểu bang Kentucky và 41,8% ở Tây Virginia.

Lạm phát khiến cho những chủ xe ô tô phải đau đầu vì giá xăng quá cao. Ảnh: Fox News.

Được biết, gần 40% người Mỹ khi được khảo sát ở các tiểu bang như Alabama, Oklahoma, Wyoming và California ngậm ngùi cho rằng họ đang phải vật lộn để trang trải các chi phí thường xuyên.

Theo ước tính gần đây của Moody's Analytics, trung bình mỗi người Mỹ phải chi thêm 311 USD mỗi tháng do lạm phát.

Sự thắt chặt tài chính này là hệ quả của việc giá cả của nhiều loại hàng hóa cơ bản, chẳng hạn như xe cộ, tiền thuê nhà, thực phẩm, xăng dầu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao.     

Bộ Lao động Mỹ báo cáo trong tuần này rằng lạm phát đã tăng trở lại trong tháng Tư, với chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,3%.

Mặc dù con số này thấp hơn một chút so với mức kỷ lục 41 năm được thiết lập vào tháng 3, nhưng con số này cao hơn đáng kể so với dự đoán của các nhà kinh tế, chứng tỏ áp lực lạm phát trong nền kinh tế siêu cường quốc này vẫn còn mạnh mẽ.

Lạm phát gia tăng cũng làm xói mòn ngạch lương của mỗi người lao động Mỹ: Theo Bộ Lao động, mức lương trung bình hàng giờ thực tế trong tháng 4 đã giảm 0,1% so với tháng trước (mức tăng trưởng tổng mức lương 0,3%).

Trên thực tế, mức thu nhập thực tế đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Tư.

Lạm phát leo thang không chỉ khiến các hộ gia đình cơ bản ở Mỹ đau đáu nỗi lo sợ, ở mặt trận chính trị, nó cũng tạo ra một “cơn đau đầu” cho Tổng thống Joe Biden, khi ông đã bị tụt hạng trong bảng xếp hạng chính trị khi chưa thể ngay lập tức hạ nhiệt giá tiêu dùng.

Không những thế, lạm phát cũng đã buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải bắt tay vào sứ mệnh thắt chặt chính sách tham vọng nhất trong nhiều thập kỷ: Các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất chuẩn lên 50 điểm cơ bản vào tháng 5.

Đây là lần đầu tiên cơ quan này đưa ra động thái quyết liệt kể từ năm 2000, và ngầm báo hiệu rằng các mức tăng có quy mô tương tự có thể diễn ra tại các cuộc họp sắp tới khi họ tìm cách kìm cương lạm phát.

"Lạm phát rõ ràng là quá cao và chúng tôi đánh giá được những khó khăn mà nó đang gây ra, vì vậy chúng tôi đang làm việc nhanh chóng để hạ nó xuống", Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây bộc bạch với các phóng viên.

"Giả sử rằng tình hình kinh tế và tài chính phát triển theo đúng kỳ vọng, ủy ban tin rằng sẽ có thêm 50 đợt tăng điểm cơ bản trong vài phiên tới." ông chia sẻ.