Lạm phát kinh tế tấn công Thổ Nhĩ Kỳ

18/11/2021 15:20 daidoanket.vn

 

Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải đối mặt với khó khăn cực độ do giá thực phẩm và các hàng hóa khác tăng vọt.

Giá tiêu dùng tăng cao ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia trên toàn thế giới khi họ đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Các nhà kinh tế cho biết, lạm phát kinh hoàng của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên trầm trọng hơn do sự quản lý kinh tế yếu kém, đồng thời dấy lên lo ngại về vấn đề dự trữ tài chính của đất nước và việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thúc đẩy cắt giảm lãi suất.

 Người đàn ông mang vác hàng hóa trong một khu chợ ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.
 Người đàn ông mang vác hàng hóa trong một khu chợ ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Tổng thống Erdogan tuyên bố, chi phí đi vay thấp hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng, mặc dù các nhà kinh tế nói rằng điều ngược lại mới chính là cách để chế ngự lạm phát.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD khi ngân hàng trung ương của nước này giảm lãi suất.

Bị kẹt ở giữa là những người dân Thổ Nhĩ Kỳ hàng ngày đang cố gắng kiếm sống.

“Mọi thứ đều đắt đỏ, tôi không thể mua bất cứ thứ gì”, bà Suheyla Poyraz nói khi dạo qua các quầy hàng thực phẩm tại chợ Ortakcilar ở quận Eyupsultan, Istanbul. Bà nội trợ 57 tuổi đã bỏ phiếu cho đảng của Tổng thống Erdogan và kêu gọi chính phủ hành động để chấm dứt lạm phát.

“Nếu họ là chính phủ và nếu chúng tôi đang bỏ phiếu ủng hộ để họ làm mọi thứ đúng đắn, vậy tại sao họ không can thiệp? Tại sao không kiềm chế lạm phát?”, bà Poyraz bất bình.

Người dân đi lại trong khu chợ lâu đời Grand Bazaar ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.
Người dân đi lại trong khu chợ lâu đời Grand Bazaar ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, lạm phát đã tăng gần 20% trong tháng 10 so với một năm trước đó, nhưng Nhóm nghiên cứu lạm phát độc lập, bao gồm các học giả và cựu quan chức chính phủ, đã đưa con số này lên gần mức 50%, một con số đáng kinh ngạc.

Để so sánh, giá cả tại Mỹ đã tăng khoảng 6% so với một năm trước – mức cao nhất kể từ năm 1990 – và lạm phát ở 19 quốc gia Liên minh châu Âu sử dụng đồng euro vượt quá 4%, cao nhất trong 13 năm.

Tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt mức thấp nhất mọi thời đại và đã mất khoảng 25% giá trị kể từ đầu năm. Chính điều này đang khiến giá cả tăng cao, các loại hàng hóa nhập khẩu, nhiên liệu và nhu yếu phẩm hàng ngày trở nên đắt hơn.

Một văn phòng đổi tiền tệ ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.
Một văn phòng đổi tiền tệ ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán phá giá tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ, và người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển đổi tiền tiết kiệm của họ sang ngoại tệ và vàng.

Ozlem Derici Sengul, một nhà kinh tế học và đối tác sáng lập của Spinn Consulting có trụ sở tại Istanbul cho biết: “Đã có một đợt bán tháo lớn trên thị trường tài chính chỉ do sự can thiệp này đối với sự độc lập của ngân hàng trung ương.

Một số yếu tố khác cũng tác động đến lạm phát và giá cả thị trường tài chính, nhưng yếu tố chi phối chủ yếu là chính sách của ngân hàng trung ương”.

Ông Sengul ước tính, hơn một nửa dân số Thổ Nhĩ Kỳ “đang gặp khó khăn về thu nhập”. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan lại khẳng định, nền kinh tế vẫn đang phát triển mạnh mẽ và đất nước đang trỗi dậy khỏi đại dịch với tình hình tốt hơn những quốc gia khác.

Chính phủ của ông đã đổ lỗi cho giá thực phẩm cắt cổ tại các chuỗi siêu thị và yêu cầu một cuộc điều tra có trừng phạt.

Đồng thời, ông cũng ra lệnh cho các hợp tác xã nông nghiệp mở hàng nghìn cửa hàng mới trên khắp đất nước để giữ giá lương thực thấp.

Một quầy bán cá tại khu chợ đường phố Ortakcilar ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.
Một quầy bán cá tại khu chợ đường phố Ortakcilar ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Trong một nỗ lực để giảm bớt thiệt hại, Bộ trưởng Lao động và An sinh Xã hội Vedat Bilgin trong tháng này cho biết, chính phủ đang nỗ lực điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo vệ người lao động trước tình trạng giá cả tăng cao.

Ông tuyên bố: “Chúng tôi đang làm việc để loại bỏ vấn đề tiền lương tối thiểu khỏi chương trình nghị sự, điều này chắc chắn sẽ giúp giải tỏa những khó khăn”.

Nhưng các nhà kinh tế cho rằng điều đó là chưa đủ.

Ông Sengul cho biết: “Lạm phát, thu nhập thấp và phân phối thu nhập không đồng đều sẽ có nhiều tác dụng tiêu cực hơn vào năm 2022 và 2023 nếu chính phủ tiếp tục kiên định với lãi suất thấp, chính sách tiền tệ nới lỏng và chuẩn bị quá trình bầu cử”.

Một người đàn ông vận chuyển hàng hóa tại một khu thương mại ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.
Một người đàn ông vận chuyển hàng hóa tại một khu thương mại ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Kadriye Dogru thường làm món bánh mì tròn phủ vừng, được gọi là ‘simit’ cho bữa trưa những ngày này. Bà mẹ hai con góa chồng đã phải nhịn bữa trưa để có thể dọn đồ ăn cho gia đình vào cuối ngày.

Số tiền mà người phụ nữ 59 tuổi này kiếm được bằng cách bán quần thể thao và các mặt hàng may mặc khác tại chợ Ortakcilar ở Istanbul đã không còn cầm cự được lâu nữa, và bà đang phải vật lộn để mua thức ăn, chưa nói đến bất cứ nhu yếu phẩm nào khác.

“Tôi chưa bao giờ trải qua một cuộc sống đáng thương như vậy. Tôi đi ngủ và chỉ vừa mở mắt thức dậy, giá cả đã tăng lên. Tôi đã mua một can dầu nấu ăn 5 lít giá 40 lira (khoảng 80.000 VNĐ). Khi vừa quay lại, giá đã lên 80 lira (hơn 170.000 VNĐ)”, bà Kadriye thất vọng.  

Người dân mua bán thực phẩm tại khu chợ đường phố Ortakcilar ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.
Người dân mua bán thực phẩm tại khu chợ đường phố Ortakcilar ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Musa Timur, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Istanbul cho biết, giá cả tăng cao đã khiến ông khó có thể kinh doanh. Ông khẳng định: “Bất kỳ sản phẩm nào chúng tôi bán – chúng tôi đều không thể mua lại chúng với cùng một mức giá”.

Ông nhấn mạnh, thậm chí khách hàng của mình không còn đủ khả năng mua nhiều loại thức ăn. Họ chủ yếu chỉ có thể mua bánh mì, mì ống và trứng.