Kinh tế Trung Quốc hồi sinh, sẽ tác động mạnh đến giá dầu?

19/06/2022 13:00 toquoc.vn

Trung Quốc "tái sinh"

"Rủi ro sẽ đến khi Trung Quốc quay trở lại", Suhail Al-Mazrouei, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã phát biểu vào tuần trước. Ông Al-Mazrouei đang ám chỉ đến những áp lực đè nặng lên giá dầu vốn đã cao, do nhu cầu tăng lên từ nền kinh tế Trung Quốc đang hồi sinh và trỗi dậy sau những đợt đóng cửa nghiêm ngặt để ngăn ngừa Covid-19.

Các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nơi trên thế giới đang phải vật lộn với giá năng lượng ngày một tăng cao, làm trầm trọng thêm mức độ lạm phát. Tuy nhiên, giá dầu tiếp tục tăng đột biến trong ngắn hạn có thể là minh chứng cho việc nền kinh tế Trung Quốc đang bùng nổ trở lại trên tất cả các lĩnh vực.

Việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh vai trò trọng tâm của Trung Quốc đối với sự vận hành trơn tru của nền kinh tế toàn cầu. Dây chuyền sản xuất của Trung Quốc dừng hoạt động đã làm suy giảm nguồn cung hàng hóa mà cả thế giới phụ thuộc vào, và việc cung không đáp ứng được cầu đã góp phần làm tăng lạm phát giá tiêu dùng (CPI) trên toàn cầu.

Tất nhiên, những người ủng hộ khẳng định của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Milton Friedman rằng "bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu, lạm phát luôn là một hiện tượng tiền tệ" sẽ nghĩ khác. Họ cho rằng chỉ số CPI tăng cao bắt nguồn từ chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là những nỗ lực nhằm giảm thiểu mặt trái kinh tế của các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Phải thừa nhận một điều rằng mặc dù có lẽ hơi muộn màng, nhưng các ngân hàng trung ương lớn, đứng đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đã cẩn trọng hơn với lạm phát. Fed hiện đang tăng lãi suất và bắt đầu thắt chặt định lượng. Lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao. Dữ liệu công bố cho thấy chỉ số CPI hàng năm của nước này ở mức 8,6% trong tháng 5, đây là mức cao nhất kể từ năm 1981.

Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang ở Washington vào ngày 4/5, khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất với mức cao nhất kể từ năm 2000 và quyết định bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán khổng lồ của mình

Cần được bổ sung năng lượng

Điểm mấu chốt là Trung Quốc đóng vai trò như huyết mạch cung cấp cho thế giới nhiều mặt hàng thiết yếu. Khi huyết mạch đó phần nào bị tắc nghẽn, các nền kinh tế khác không thể tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, điều kiện tiên quyết chính là năng lượng.

Khoảng thời gian đóng cửa do Covid-19 là lúc Trung Quốc cần ít năng lượng hơn cho nền kinh tế của mình. Giờ đây, dòng chảy của hàng hóa Trung Quốc đến nền kinh tế toàn cầu đang được bình thường hóa, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đương nhiên sẽ tăng lên.

Cảng Long Beach ở California, một trong những cửa ngõ huyết mạch mà hàng hóa Trung Quốc chảy vào Mỹ, hiện đang sẵn sàng "cho đợt tăng đột biến vào mùa hè khi Trung Quốc phục hồi sau một đợt đóng cửa kéo dài", giám đốc điều hành cảng Mario Cordero cho biết vào ngày 9/6. Sự lạc quan của ông dường như không đặt nhầm chỗ. Dữ liệu được công bố vào tuần trước cho thấy xuất khẩu trong tháng 5 của Trung Quốc đã tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, mặc dù lạm phát tại Trung Quốc tăng 6,4% so với cùng kỳ vào tháng 5, nhưng thấp hơn mức tăng 8% của tháng 4 và là mức thấp nhất trong hơn một năm. Tốc độ gia tăng lạm phát ở Trung Quốc hiện đã giảm liên tiếp trong vòng bảy tháng. Tốc độ này càng giảm thì càng tốt cho nền kinh tế toàn cầu vốn phụ thuộc vào hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.

Nhưng ngay cả trước khi nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn bình thường trở lại, Bộ trưởng Bộ Năng lượng UAE Al-Mazrouei ước tính rằng sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các quốc gia liên kết (Opec ) hiện đang thấp hơn nhu cầu 2,6 triệu thùng/ngày. Khi Trung Quốc gia tăng sản xuất, sự mất cân bằng cung và cầu đó sẽ càng trầm trọng và dẫn đến giá dầu thậm chí còn cao hơn, vì OPEC hiện dường như không thể tăng thêm sản lượng để đáp ứng nhu cầu.

Nguồn đầu tư vào các dự án dầu mỏ mới đã giảm mạnh trong vài năm qua, trong bối cảnh toàn cầu nỗ lực chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo để chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự chênh lệch về cung và cầu hiện tại đã khiến giá dầu trở nên ngày càng cao hơn khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.

Đây là những vấn đề lớn và không thể đưa ra câu trả lời một cách dễ dàng. Nhưng có một điều rõ ràng là: cho dù nền kinh tế của Trung Quốc chậm lại hay hoạt động hết công suất, những gì xảy ra ở đất nước tỷ dân sẽ luôn tác động đến nền kinh tế toàn cầu.