Kinh tế thế giới đang phục hồi hình chữ K thời hậu đại dịch Covid-19 như thế nào?

25/01/2021 12:36 toquoc.vn

Đại dịch Covid-19 đang tạo ra tình trạng kinh tế phục hồi theo hình chữ K trên khắp thế giới, một số lĩnh vực trong nền kinh tế phục hồi nhanh hoặc thậm chí tăng trưởng quá nóng, thế nhưng ngành dịch vụ, trong đó có du lịch đi lại và kinh doanh dịch vụ ăn uống hiện đang tụt lại phía sau.

Theo báo Nikkei, ngành sản xuất nói chung, trong đó có bao gồm sản xuất chất bán dẫn và ô tô, hiện đang phục hồi nhanh chóng và thậm chí còn tăng trưởng quá nóng. Ngành dịch vụ ngược lại đang không thể phục hồi tại quá nhiều khu vực trên thế giới.

Lạm phát tại từng ngành khác nhau rất nhiều, đồng thời ngày một rõ ràng rằng sự tăng điểm của thị trường chứng khoán thực ra không phản ánh đúng trạng thái thực của nền kinh tế.

Ví như trong ngành bán dẫn, công ty sản xuất các sản phẩm bán dẫn tại Nhật có tên Renesas Electronics đã bắt đầu yêu cầu khách hàng về việc liệu công ty có thể kéo dài thời gian giao hàng muộn hơn 12 tuần, tức gấp đôi so với bình thường, nguyên nhân chính do tình trạng thiếu chip. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi nhu cầu đối với sản phẩm bán dẫn cho các trung tâm dữ liệu tăng chóng mặt khi ngày một nhiều người làm việc tại nhà.

Nhu cầu đối với sản phẩm bán dẫn trong ngành ô tô cũng đã hồi phục nhanh chóng từ mùa thu năm ngoái. Công ty sản xuất sản phẩm bán dẫn Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) công bố doanh thu trong quý 4/2020 cao chưa từng thấy.

Trong ngành ô tô, doanh số bán ô tô xa xỉ tại Trung Quốc đang tăng chóng mặt. Mercedes-Benz, BMW và Audi công bố doanh số bán ô tô cao kỷ lục trong năm 2020. Dù rằng quy mô hoạt động sản xuất ô tô suy giảm đi trong mùa xuân năm ngoái do đại dịch Covid-10 thế nhưng từ mùa thu năm 2020, nhu cầu đã hồi phục và các hãng xe đang nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất.

Ngoài ra, sự phục hồi của ngành sản xuất có thể nhìn rõ nhất vào giá đồng, giá đồng vốn phản ánh xu thế chung của ngành sản xuất. Giá đồng đã tăng chóng mặt so với mức vào mùa xuân năm ngoái.

Tuy nhiên, sự phục hồi của một số ngành nghề nói trên chỉ là một phần của tình hình kinh tế toàn cầu nói chung trong bối cảnh đại dịch Covid-19; tình hình của ngành sản xuất khác biệt rất nhiều.

Tại Mỹ, doanh số bán lẻ tại các trung tâm mua sắm giảm sâu trong tháng 12/2020, mức giảm ghi nhận 21% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội nhà hàng Mỹ, hơn 110.000 nhà hàng tại Mỹ đã phải đóng cửa tạm thời hoặc đóng cửa dài hạn tính đến tháng 12/2020.

Giá phòng khách sạn tại Nhật, Mỹ và châu Âu đã giảm nhanh hơn nếu so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009.

Theo tính toán của IHS Markit, niềm tin của doanh nghiệp vào ngành sản xuất vẫn tiếp tục cải thiện lên mức cao trước khủng hoảng, còn niềm tin vào ngành dịch vụ trong khi đó vẫn còn kém.

Nhìn vào tình hình tại các nền kinh tế phát triển, GDP thực của châu Âu nhiều khả năng đã tăng trưởng âm trong quý 4/2020, kinh tế Nhật trong khi đó cũng được dự báo sẽ tăng trưởng âm trong quý 1/2021.

Trong khi kinh tế thế giới nói chung đang hướng tới khoảng thời gian suy giảm do các biện pháp hạn chế đi lại, thị trường chứng khoán toàn cầu hiện vẫn đang ở mức cao kỷ lục, giá trị vốn hóa của thị trường toàn cầu tăng vượt 100 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái. Tính đến ngày thứ Sáu tuần vừa rồi, giá trị vốn hóa đã tăng 6% lên 105 nghìn tỷ USD, theo tính toán của QUICK-FactSet.