Kinh tế Mỹ ảm đạm khi thâm hụt thương mại tăng cao kỷ lục và năng suất lao động giảm mạnh trong hơn 4 thập kỷ qua

06/11/2021 07:48 congluan.vn

Dữ liệu của chính phủ Mỹ hôm thứ 5 cho thấy rằng thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 9 qua do xuất khẩu sụt giảm.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết thêm, chênh lệch thương mại tăng 11,2% lên mức kỷ lục 80,9 tỷ USD. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo thâm hụt ở mức 80,5 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu là nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả này, khi các công ty Mỹ tranh nhau tìm các bộ phận và hàng hóa để chế tạo sản xuất sản phẩm của họ.

Nhập khẩu có khả năng vẫn ở mức cao do các doanh nghiệp xây dựng lại hàng tồn kho đã cạn kiệt.

Điều đó đã dẫn đến giá hàng nhập khẩu tăng cao do nhu cầu dễ dàng vượt cung.

Đó là thông tin đáng lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ: Thâm hụt thương mại trong quý 3 đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2% hàng năm, mức chậm nhất trong hơn một năm.

Chênh lệch thương mại đã là lực cản lớn đối với tăng trưởng GDP trong 5 quý liên tiếp.

Xuất khẩu giảm 3,0% xuống còn 207,6 tỷ USD trong tháng 9. Xuất khẩu hàng hóa giảm 4,7% xuống 142,7 tỷ USD. Sự sụt giảm này được dẫn đầu bởi nguồn cung công nghiệp, với xuất khẩu dầu thô giảm 1,0 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa tư bản cũng giảm. Nhưng xuất khẩu hàng tiêu dùng tăng cao nhất.

Nhập khẩu tăng 0,6% lên mức kỷ lục 288,5 tỷ USD. Nhập khẩu hàng hóa tăng 0,8% lên 240,9 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục.

Nhập khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp cao nhất kể từ tháng 4 năm 2014. Nhập khẩu hàng hóa lập mức cao kỷ lục, cũng như nhập khẩu ngoài xăng dầu và nhập khẩu các mặt hàng khác.

Đồng thời năng suất thị trường lao động Mỹ cũng đã giảm mạnh trong quý 3 của năm, xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua.

Tuy nhiên, có rất nhiều lý cho thấy đây có thể không phải là một dấu hiệu xấu cho triển vọng kinh tế của Mỹ.

Nguyên nhân dẫn đến điều này là do sự bùng phát trở lại của Covid-19 và tệ hơn nữa là sự hỗn loạn của chuỗi cung ứng vẫn chưa được giải quyết đã kìm hãm hoạt động sản xuất trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết hôm thứ 5 rằng đây được cho là mức giảm mạnh nhất kể từ quý 2 năm 1981.

Trong quý 3 năm nay, sản lượng tăng 1,7%, trong khi số giờ làm việc tăng 7%.

Nhà kinh tế cao cấp của Wells Fargo, Sarah House cho hay rằng: “Những con số tồi tệ này không cho chúng ta biết nhiều về xu hướng của thị trường việc làm. Một điểm dữ liệu duy nhất - chẳng hạn như sự sụt giảm năng suất lao động - hiếm khi vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh về nền kinh tế.”

Theo bà House cho biết: “Khi nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn và các gói hỗ trợ được thực hiện, chúng tôi sẽ đạt được những tăng trưởng cao nhất.”

Bà cũng cho rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng là nhân tố chính đang kìm hãm sản lượng nhiều hơn.

Các doanh nghiệp cũng đang phải vật lộn với tình trạng hiếu nhân công trầm trọng, có nghĩa là các doanh nghiệp cần phải trả nhiều tiền hơn để thu hút nhân viên.

Chi phí lao động đã tăng vọt trong quý 3, tăng với tốc độ hàng năm là 8,3%, cao hơn nhiều so với các quý trước.

Nhưng năng suất lao động giảm cũng đồng nghĩa với việc ngày càng khó tìm công nhân hơn và chi phí nhân công cũng sẽ cao hơn, mà các doanh nghiệp không thể chuyển thêm phần chi phí này cho những người tiêu dùng - những người vốn đang phải trả nhiều hơn trong bối cảnh chi phí vận chuyển và nguyên liệu thô tăng cao trên toàn cầu.

Sarah House nói: “Chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng tiền lương sẽ vẫn ở mức cao, nhưng chúng tôi dự kiến sẽ điều chỉnh một chút trong nửa cuối năm tới. Điều đó sẽ giảm bớt một số áp lực cho các doanh nghiệp.”

Huy Hoàng (Theo CNN)